Nghệ sĩ Lan Châu: Phận đời chìm nổi
3:23, 08/10/2012
(CAND)
“Tôi có gì đâu mà viết chứ, công việc chẳng có gì nổi bật, cuộc sống quá nhiều đau thương mất mát, cả đời hơn 70 tuổi rồi chồng chết, con mất, vẫn đang ở nhà thuê và hằng đêm phải lặn lội đi ca hát để mưu sinh…”, nghệ sĩ cải lương Lan Châu tỏ ý ngần ngại trước khi trải lòng về công việc ca hát và quãng đời cay đắng của bà!
Có những lúc vàng đeo đỏ tay
Tình cờ gặp nghệ sĩ Lan Châu ở phòng trà Tiếng Xưa lúc bà đang tập trên sân khấu chuẩn bị cho đêm hát mà bà là nhân vật chính, vở diễn Tình mẫu tử. Mới nhìn qua chắc có lẽ không nhiều người nghĩ bà là một nghệ sĩ hát cải lương, bởi sự giản dị với mái tóc bạc trắng cùng phong thái rất bình dân của bà. Quả thật ở độ tuổi ngoài thất thập của bà mà vẫn còn phải vất vả tập luyện cho những đêm hát bỗng thấy có điều gì đó nghèn nghẹn.
Trong đêm hát chính thức, trước khá nhiều người nghe của phòng trà, giọng ca ngân vang, cao vút của bà đã khiến nhiều người bất ngờ và ngây ngất. Vậy nhưng chuyện bà “bỗng dưng” đi hát lại khiến không ít người không khỏi thắc mắc. Bởi với những ngôi sao cải lương khi bước qua tuổi 70 vẫn đi hát là vì khán giả còn yêu cầu, đằng này với bà thì có lẽ hát thực chất chỉ để mưu sinh. Chính thắc mắc này đã thôi thúc tôi hẹn gặp lại bà tại nơi bà trọ (ở phường Tân Hưng, quận 7) vào hai ngày sau đó, nhưng câu chuyện về cuộc đời cay đắng được bà kể không liền mạch, bởi với bà có lẽ quá khứ lưu giữ quá nhiều đau thương mất mát.
Trước khi tìm đến gặp bà, tôi cũng không thể hình dung được về nơi bà đang thuê tá túc cùng với một người cháu họ - một căn gác gỗ nhỏ xíu chật chội chỉ chừng trên dưới 10m2 chất đầy quần áo, vật dụng cá nhân. Ngoài chiếc tivi thì còn lại chẳng có gì đáng giá, có lẽ tấm hình thời trẻ của bà được treo trên vách tường là nổi bật nhất, bên cạnh là một vài bộ quần áo mà bà dùng để đi hát hằng đêm.
Đã bước vào những năm cuối đời, theo nghiệp hát (có thời điểm gián đoạn) cũng mấy chục năm trời nhưng nhắc tới cái tên Lan Châu quả thực không nhiều người biết. Chính vì thế giai đoạn thời trẻ của bà hầu như rất ít người tỏ tường, chỉ biết loáng thoáng bà là một nghệ sĩ chuyên đóng các vai đào tính cách độc, mùi, lẳng, mụ ở nhiều đoàn hát, vậy thôi!
Nhỏ xíu, bà đã thích hát. Ngồi đâu cũng hát, dù là lúc phụ mẹ nấu cơm, giặt giũ, tiếng hát của bà cứ ngân vang khắp nhà. Thấy thế mẹ của bà chau mày khó chịu nói với con rằng: “Ba mày đi hát đã rày đây mai đó khổ quá trời rồi, giờ mày lại định đi hát sao con?”. Cha bà, là nghệ sĩ hát bội. Sau đó khi nghe bà ngỏ ý muốn theo cha đi hát, mẹ của bà đã nhất quyết ngăn cản. Vậy nhưng sự cấm đoán của mẹ đã không giữ được bà, học chỉ mới biết đọc biết viết là bà đã tìm cách trốn theo cha đi theo đoàn hát để thỏa lòng mong mỏi.
Sau này được sự chỉ dạy của nhạc sĩ Kim Anh (cha của nghệ sĩ Tô Kim Hồng), bà ngày một vững hơn trong nghề. Bà đã theo hát ở nhiều đoàn hát như Chim Việt, Thúy Lan Mỹ Ngọc, Thủ Đô... chuyên đóng các vai đào tính cách độc, mùi, lẳng, mụ ở nhiều đoàn hát từ miền Nam tới miền Trung. Nhưng đoàn hát mà bà gắn bó lâu và tạo được dấu ấn là đoàn Tinh Hoa.
“Bây giờ tôi ca quán nên để nghệ danh Lan Châu chứ thực sự tôi chính là nghệ sĩ Mỹ Châu lớn ngày xưa. Hồi đó Minh Phụng chưa thành danh, tôi đã hát đào chánh rồi”. Bà bảo có lúc đi hát vàng đeo đỏ tay, như có một lần bà cầm “công-tra” trong tay mà tiền công có thể mua được tới 20 cây vàng lúc đó. Vậy nhưng cũng chỉ được một thời gian ngắn vì đi ca nhiều năm nhưng tên tuổi không nổi bật lên được thành ra thu nhập kiếm được cũng chẳng bao nhiêu. “Giờ mà nói mấy cái chuyện cả chục cây vàng đó lên báo chỉ mất công khiến người ta ghét thôi. Nhưng làm nghệ sĩ kỳ lắm, có lúc tiền nhiều vậy chứ quay qua quay lại rồi cũng đi đâu hết, vì nghệ sĩ không giữ được tiền bạc, nhàn cái thân thôi chứ chẳng thể giàu được”, bà chua chát nói.
Người nghệ sĩ già truân chuyên trong căn gác trọ của mình.
“Tay trắng vẫn hoàn trắng tay”
Mới bước qua tuổi 20, bà đã có đời chồng đầu tiên chính là kép hát H.K.B. Dù cùng là nghệ sĩ cải lương rày đây mai đó nhưng ông bà đối đãi với nhau rất tử tế và thực sự hai người đã có một khoảng thời gian hạnh phúc bên nhau. Vậy nhưng một biến cố lớn xảy ra đã khiến duyên nợ của ông bà gãy gánh giữa chừng. Người chồng H.K.B sau đó đã tái hôn với một người vợ khác và cũng có con cháu đầy đàn. “Cuộc đời của tôi cũng năm chìm bảy nổi, mệt mỏi lắm, nên tôi chỉ muốn giữ cho riêng mình thôi, nói lại những chuyện đó chỉ tổ đau đầu”, bà rào đón để tránh nói chi tiết về những gì bà đã phải trải qua.
Thời gian sau bà tiếp tục xây dựng hạnh phúc mới với người chồng là một khôi nguyên vọng cổ. Hạnh phúc tưởng chừng viên mãn khi ông bà có với nhau một đứa con gái. Tuy vậy số phận truân chuyên lại vùi dập khi bà mất đứa con gái lúc bé chỉ mới 7 tuổi vì bệnh tật. Một thời gian sau, vợ chồng bà lại mỗi người một ngả, và có lẽ nguyên nhân đổ vỡ lần này không xuất phát từ phía bà
Chẳng hiểu sao những mất mát, đổ vỡ cứ liên tiếp tìm đến với bà, sự đau đớn, chán nản đã khiến bà không thể gượng dậy nổi để có thể tiếp tục cái nghề ca hát của mình. Bà bỏ nghề về quê ở Phan Rang một thời gian để đỡ đần cha mẹ già và cũng là muốn để quên đi quãng thời gian buồn khổ của mình. Trước đó, để đỡ phần cô quạnh, bà đã nhận nuôi một người con trai của một người bạn trước khi mất lúc nó chỉ mới có 2 tháng tuổi mà sau này ai cũng tưởng rằng đó là đứa con ruột của bà.
Có lúc, bà chuyển hẳn sang làm ăn buôn bán. Phất lên một thời gian, rồi lại trắng tay hoàn tay trắng. Buồn chán, nghèo khó cùng cực đến mức đến mức bà đã phải lên Sài Gòn thuê nhà ở một mình đi bán vé số kiếm cơm qua ngày. Thế nên, nằm mơ bà cũng chẳng dám nghĩ đến chuyện mình sẽ được trở lại sân khấu để ca hát, dù nó chỉ là phương tiện để bà mưu sinh.
Vận may đến với bà khi trong một lần đi bán vé số, bà gặp lại người bạn cũ - nhạc sĩ Ngọc Ẩn (mà nhiều người quen gọi ông là Út Trà Ôn miền Tây, hiện đã mất). Thấy tình cảnh đáng thương của bà, ông đã hỏi xem bà có còn nhớ bài ca nào không vì lúc đó ông đang có một cái quán ở đường Trần Phú có thể đưa bà đến đó ca hát kiếm tiền. Mới nghe bạn hỏi thế, bà cứ ngỡ ông đùa vì thời gian bà bỏ hát đã khá lâu rồi biết có còn luyến láy được hay không, hơn nữa tuổi tác cũng đã không còn trẻ trung gì nữa. Vậy nhưng khi nghe ông bạn thuyết phục “các bài ca cổ giá trị lắm, người ta thích văn nghệ là họ thích những điều sâu xa…”, thì bà cảm thấy thực sự vui mừng.
“Nghe ông ấy nói thế, tôi thấy thích lắm vì nghĩ rằng mình sẽ lại được đi hát. Ông ấy bảo tôi cố gắng học thuộc lại những bài hát nào xưa chừng nào tốt chừng ấy. Vậy nhưng ngay khi chuẩn bị đi hát trở lại, tôi hát không nổi vì hơi ca không lên được, phải tập luyện rồi dưỡng giọng mãi, nhất là tổ nghiệp vẫn còn thương nên mới tiếp tục hát được. Từ đó tới giờ cũng mười mấy năm rồi, tất cả cũng là nhờ người nhạc sĩ tốt bụng đó. Ngoài cái quán của mình ra thì ông còn giới thiệu cho tôi đi hát ở các quán nghệ sĩ khác nữa. Bây giờ ngoài ca cải lương, tôi còn “lấn sân” qua hát cả nhạc bolero nên nhiều khán giả cũng thương và ủng hộ. Cái tên Lan Châu của tôi cũng chính là do ông ấy đặt cho vì nghệ danh Mỹ Châu lớn lúc đó chẳng còn ai biết tới cả”, bà rưng rưng kể lại.
Tưởng rằng cuối đời bà như vậy cũng đã an ủi được phần nào một kiếp nghệ sĩ truân chuyên, nhưng có lẽ hai chữ số phận vẫn chưa buông tha cho bà. Người con trai mà bà nhận nuôi từ lúc còn đỏ hỏn, dù đã có gia đình con cái riêng nhưng rất hiếu thảo và thương yêu bà, bỗng nhiên mắc bệnh nặng rồi mất (năm 2011). Hôm gặp tôi, bà bảo bà mới đi đám giỗ đầu của con trai hai ngày trước tổ chức ở bên nhà vợ.
Nhìn mái tóc đã bạc trắng của bà phất phơ, tôi bỗng có cảm giác hai bạc phận luôn đeo đẳng suốt cuộc đời bà với bao khó khăn, mất mát từ khi còn trẻ cho đến lúc về già.
Vừa mới trầm ngâm, buồn lặng khi nhắc lại quãng đời buồn đã qua, vậy mà chỉ ngay sau đó bà đã cười rất tươi rồi bảo rằng: “Nói vậy chứ nhiều người nói tôi có phước lắm mới mạnh khỏe cho đến ngày hôm nay đó. Hơn nữa tổ nghiệp vẫn còn thương cho tôi lộc để vẫn ca hát hằng đêm kiếm được tiền tự nuôi sống mình, vậy còn mong gì hơn nữa đâu. Nếu không, như tôi tuổi này, đi ăn xin chưa chắc người ta cho đâu. Nhìn lên, tôi thấy không bằng ai, nhưng ngó xuống vẫn có nhiều người khổ hơn tôi ấy chứ. Bởi bây giờ hàng tháng tôi được đi lãnh gạo trợ cấp của Sở VH - TT - DL, trong khi ngoài đời vẫn có những người mỗi lần đi mua mà không mua nổi một ký gạo nữa đó. So với họ, tôi thấy mình cũng phước đức lắm rồi”.
Bà còn kể thêm rằng, đứa cháu gái ở cùng nhiều khi vui vui đã hỏi bà rằng nếu chẳng may bà mất thì phải làm sao. Bà bảo thì cứ gọi cho mấy đứa cháu của bà xuống lo được tới đâu hay tới đó, vậy chứ biết làm sao. Nói xong hai bà cháu chỉ còn biết nhìn nhau cười tít mắt. Dù vậy nhưng bà cũng nguyện rằng lúc nào mất thì làm sao giống như ngọn đèn trước gió tắt cái phụp là xong một kiếp người, chứ đừng lâm vào cảnh phải ăn dầm nằm dề sẽ khổ mình, khổ người.
“Có những lúc buồn lắm chứ, nhưng tôi cũng nghĩ rằng mình cứ u buồn, khóc lóc thì có lợi gì đâu. Ngược lại suy nghĩ quá còn dễ sinh ra bệnh tật, đau yếu thì còn khổ hơn nữa. Do đó, tôi cứ tập để đầu óc mình thật thoải mái, không suy diễn chuyện này chuyện kia. Cái gì đã qua thì cứ cho nó qua, bởi tôi nghĩ rằng tất cả chỉ là số phận mà mình phải gánh chịu, vậy thôi. Sống ở đời ai cũng muốn trên mặt mình là son phấn sáng tươi cả, nhưng những chuyện xảy ra ngoài ý muốn thì không ai có thể nói tài nói tướng được”, bà chia sẻ mà cứ như đang tự dặn lòng mình vậy
Phạm Phú Lữ