Quái kiệt Tám Vân
Tám Vân và Phượng Liên trong vở Hoa đồng cỏ nội - Ảnh: Minh Châu
Ngày 18.1.2009, nghệ sĩ lão thành Tám Vân đã vĩnh viễn ra đi trong ngôi nhà của ông tại Bình Dương. Sân khấu Việt Nam mất đi một tài năng, một cây đại thụ trong lòng khán giả.
Cách đây gần 10 năm, tôi ra tận Bình Dương viết bài về ông. Đường đi rất ngoằn ngoèo, tôi phải đứng chờ thật lâu ở cổng bưu điện huyện để đứa cháu của ông dẫn vô nhà, nếu không thì đi lạc là cái chắc. Quanh co không biết bao nhiêu ngõ làng xanh um cây lá mới tới nhà ông. Căn nhà cũng ẩn sau một vườn cây xanh um, gió đưa hương đất hương hoa trong trẻo bay vào mũi tôi. Nào cây nhãn, cây mận, cây xoài, mít, ổi... Thật là một nơi "ở ẩn" tuyệt vời cho lão cao nhân gác kiếm giang hồ. Nhưng sự thật, chỉ có ông là "gác kiếm" thôi, còn bà vợ của ông, bà Nhị Kiều, không hề "gác kiếm", nói đúng hơn, là "gác bút". Bà vẫn sáng tác kịch bản đều đặn để có nhuận bút nuôi ông. Hai ông bà xấp xỉ tuổi nhau, năm ấy đã hơn 70, tựa vào nhau như hai cái bóng lặng lẽ sau cánh màn nhung sân khấu.
NSND Tám Vân
Ông rất ít nói, tôi hỏi chuyện gì dường như chỉ có bà trả lời giùm. Ông ngồi trầm ngâm ở cái ghế dựa, nhìn ra sân vườn nhạt nắng. Chỗ nào bà không nhớ hoặc nói không chính xác thì ông mới "đệm" vô. Tay ông luôn có điếu thuốc, mà hút cũng rất chậm, hít một hơi rồi nhả ra từ từ như để cho khói ngấm vào lòng. Và tôi cảm giác ông cũng đang để cho sự đời ngấm vào lòng. Dù không nói lời nào, nhưng ông ngấm hết những nhân tình thế thái, những đắng cay ngọt bùi của một kiếp con tằm nhả tơ.
Ông chính là hiện thân của con tằm đã nhả hết tơ, giờ chỉ còn lại cái kén rỗng, nhưng không thể hóa thành con ngài để bay đi được. Con ngài còn có đôi cánh để tung lên cùng bầu trời cao rộng, nhưng con người về già lại cúi xuống gần mặt đất hơn, tủi phận hơn, cô đơn hơn. Dù nghệ sĩ khắp nơi vẫn quan tâm tới ông bà, vẫn quà cáp thăm viếng mỗi khi lễ tết, nhưng họ có công việc của họ, đâu thể thường xuyên kề cận, cho nên ông trở thành kẻ lạc loài sau khi sân khấu đã hạ màn. Ông không buồn, chỉ chấp nhận sự thật của tuổi già. Mà ông có tiếc gì nữa, cả một thời trẻ trung đã tung hoành ngang dọc, lừng lẫy các đại bang, làm thầy của biết bao nghệ sĩ, hét ra lửa đó thôi.
NSND Tám Vân tên thật là Lê Văn Tám, sinh năm 1924, tại Bến Tre, là em ruột cố NSND Ba Vân, từng là diễn viên và đạo diễn của các đoàn cải lương Việt kịch Năm Châu, Kim Chưởng, Thanh Nga, Dạ Lý Hương, Phước Chung. Ông còn là thầy dạy nghề của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như Thanh Nga, Bạch Tuyết, Thanh Tú, Bảo Quốc, Mộng Tuyền… Những vở ông tham gia: Tần nương thất, Khói sóng Tiêu Tương, Tấm lòng của biển, Hoa đồng cỏ nội...
Ông mất lúc 6 giờ ngày 18.1.2009, thọ 85 tuổi. Tang lễ tổ chức tại nhà số 93B ấp Bình Phước, xã Bình Nhâm, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương. Lễ động quan lúc 10 giờ ngày 22.1.2009, an táng tại vườn nhà.
Ông chấp nhận sống trong cái kén rỗng cuối đời, hết đi ra sân ngắm cây lại đi vào nhà nằm trên chiếc giường thong thả nhả khói mơ màng. Chỉ có bà, gầy ốm nhưng rất nhanh nhẹn, hoạt bát, chăm sóc ông từ bữa ăn cho tới quần áo, điếu đóm, không hề than van một tiếng. Bà cười móm mém: "Hồi xưa, chính ổng đã dìu dắt tôi vô nghề, dạy tôi viết, chỉnh sửa kịch bản cho tôi. Có cái tên Nhị Kiều cũng nhờ ổng. Món nợ ân tình đó tôi trả mãi vẫn vui lòng". Ông nghe bà nói, miệng hơi mỉm mỉm một chút, ấy là ông đang cười, đang hạnh phúc. Ông vẫn là người chồng "oai nghi" của bà. Bà nói với ông nhẹ nhàng, trìu mến, chứ không hề gắt gỏng như một số người vợ phải bắt buộc nuôi chồng. Chợt nhận ra một thứ tình vừa là yêu, vừa là bạn, vừa là thầy trò, vừa là sự tri ân.
Ông đã ra đi sau mấy năm nằm liệt giường. Con tằm đã hóa thành ngài hay chưa?...
Tám Vân trong lòng nghệ sĩ
* NSƯT Bạch Tuyết: "Hồi tôi học ở Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, tôi mời bác Tám Vân đến nói chuyện với các giáo sư và sinh viên. Bác nói tiếng Pháp lưu loát, lại trình bày rất giỏi về nghệ thuật cải lương, và còn ca minh họa rất hay khiến ai nấy khâm phục. Bác làm rạng danh cho cải lương, là "người khổng lồ" trong trái tim tôi. Tôi cảm phục hai nhân cách lớn. Một là bác, khi giàu sang không cao ngạo, khi nghèo khổ không than van, cũng không kể lể công trận đã qua. Hai là bác gái Nhị Kiều, một phụ nữ trâm anh mà trót đi theo nghiệp sân khấu nên chấp nhận hoàn cảnh, và một lòng chung thủy tận tụy với chồng".
* Nghệ sĩ Thanh Tú: "Lúc tôi vào đoàn Thanh Nga chung với ông, ông cho tôi ở nhờ nhà ông tại đường Bùi Viện. Tôi sợ ông còn hơn sợ cha tôi, vì ông dạy nghề rất khó tính. Làm không xong là ông hét dữ lắm. Hơi hám ông rất khỏe nên ông hét là tụi tôi hết hồn. Nhưng thương ở chỗ, hễ dạy tại đoàn chưa xong thì ông về nhà dạy tiếp, ăn cơm xong là bắt tôi tập lại, cho tới khi nào được mới thôi. Ông là người thầy tận tụy của nghệ sĩ trẻ chúng tôi, ai cũng thương và kính trọng ông! Mãi mãi ông vẫn là niềm tin yêu của sân khấu và nghệ sĩ".
Hoàng Kim