Mọi nguời ngán Kim Cuơng không dám nói tới cô ả, nhưng tôi thì không

coi đây,
CÓ NHỮNG CON TIM ,
Bài viết của NGUYÊN SANG
duới đây là email của cô Thiên Kim (Giang Kim, nghệ sĩ trước 75) gởi cho anh Nguyễn Sang
Anh thân mến,
Em rất tiếc không đến dự buổi họp mặt các bạn văn nghệ, để nói lời chia tay với
anh, trước khi anh lên đường về lại xứ xa. Buồn vì đã lâu không gặp, có điều
kiện gặp gỡ những người bạn văn nghệ thuở xưa, vậy mà em phải vắng mặt. Nhưng
anh ạ! Em phải làm một việc quan trọng cho một người bạn văn nghệ khác. Em phải
giao tiền của chị Tuyền và chị Hằng cho chị Anh Thư. Chị Thư trông chờ những
khoản tiền nầy để thoi thóp thở qua ngày. Mong anh thông cảm. Anh em mình gặp
lại nhau trên những trang điện thư cũng được.
Chúc anh mạnh khoẻ và hy vọng sớm có cuộc họp mặt văn nghệ lần sau, với thật
nhiều những bạn bè cũ, dĩ nhiên trong đó có anh.
Em gái văn nghệ của anh,
GIANG KIM
Tôi nhận được bức điện thư nầy, mà lòng luống băn khoăn, không biết người bạn
văn nghệ mà Giang Kim đề cập đến trong bức thư là ai? Có thuộc nhóm văn nghệ xưa
kia với tôi không? Và cần Kim giúp đỡ gì?
Trở về Việt Nam thăm thân nhân, sau hơn 20 năm viễn xứ. Ngạt thở với bầu không
khí ngập ngụa khói bụi. Nhức óc với tiếng còi xe inh ỏi. Tôi len lỏi qua những
con đường bị đào xới và được che chắn thành từng ụ. Lạng lách với như những
người nơi hành tinh xa lạ, với đủ loại xe phóng nhanh vượt ẩu.
Người hành tinh ư?.
Ôi! Thành phố Saigon trong tim tôi, nay trước mắt tôi, là một Thành phố Bát...
nháo. Chừng ấy sự kiện đã tạo nên thật nhiều chướng ngại cho tôi. Nó gây khó
khăn cho việc di chuyển, làm vất vả cho việc truy tìm địa chỉ và tạo lãng phí
rất nhiều thời gian, trong việc tôi thực hiện ước mơ nho nhỏ, là gặp lại bạn bè
thuở nào, đã cùng tôi phục vụ trong Văn nghệ Quân đội. Cuối cùng, ước mơ cũng
thành hiện thực. Tôi tìm được vài thông tin về các “chiến hữu”. Có người không
còn. Có người còn, nhưng không còn nhận ra nhau. Bụi thời gian đã làm nhoẹt nhoè
những khuôn mặt thanh xuân của những ngày xưa thân ái. Duy nhất, có một người.
Tôi nhận ra ngay, vì gương mặt và thể hình, được lão thời gian thương tình nương
tay. Người ấy là Giang Kim. Kim cũng là người duy nhất trong bọn tôi là còn theo
đuổi sự nghiệp văn nghệ cho mưu cầu chén cơm manh áo, giữa lòng xã hội mới.
Khán giả bây giờ biết Kim trên Truyền Hình hoặc MC trong các buổi lễ lộc, đám
tiệc, đám cưới, các chương trình trình diễn văn nghệ với cái tên: Thiên Kim. Bè
bạn trong giới văn nghệ cũ kháu nhau: “Chỉ có Kim là còn giữ được phong độ”.
Qua lại bằng điện thư, tôi còn biết thêm, Kim đang kêu gọi lòng từ tâm của những
nghệ sĩ, đặc biệt những nghệ sĩ từng nổi danh xưa kia, giúp đỡ cho nữ nghệ sĩ
Anh Thư.
Tuyền trong bức thư đầu tiên Kim gửi cho tôi, chính là nữ danh ca Thanh Tuyền
đang ở hải ngoại. Còn Hằng, là nữ minh tinh Thẩm Thúy Hằng, một thời vang bóng,
với mỹ danh “Người đẹp Bình Dương”, gắn liền tên tuổi với tên cuốn phim đầu tiên
đưa Thẩm Thúy Hằng vào con đường điện ảnh. TT Hằng vẫn ở VN. Sau cuộc đổi đời,
chị từng là Trưởng đoàn của Đoàn Kịch nói Bông Hồng, là đoàn kịch nói thứ hai
của Thành phố bị đổi tên, sau Đoàn kịch nói Kim Cương. Chị mới vừa tổ chức đám
Giỗ cho chồng trong phạm vi gia đình với một vài thân hữu hiện diện, trong đó có
Kim.
Chồng chị là ÔngTony Oánh, tức Nguyễn Xuân Oánh, cựu Thống Đốc Ngân hàng Việt
Nam Cộng Hoà.
Dĩ vảng quay về. Trong tôi hiện lên hình ảnh một Anh Thư, mà có lần tôi được
ngồi chung bàn, trong Câu lạc bộ của Biệt Đoàn Văn Nghệ Trung ương. Chị rất vui
tính. Đố ai ngồi chung bàn, kể cả những người ngồi khác bàn gần bên, không cười
nghiêng cười ngữa, khi nghe chị kể chuyện tiếu lâm. Tôi cũng vài lần xem chị
diễn kịch trên màn ảnh Truyền Hình . Thường thì chị hay thủ diễn những vai khiến
người ta ghét. Dĩ nhiên, được khán giả ghét có nghĩa là chị đã diễn đạt được vai
trò phản diện trong vở kịch một cách xuất sắc. Tôi chỉ biết và chỉ nhớ có thế
thôi về Anh Thư.
Ảnh chụp năm 1959 thời gian Anh Thư đoạt Huy Chương Vàng nữ diễn viên xuất sắc
và đang cộng tác với Ban Kịch Dân Nam.
Kim đã kể cho tôi nghe tỉ mỉ về Anh Thư như sau: Trước 75, Anh Thư đã từng đoạt
huy chương vàng nữ diển viên xuất sắc nhất, do báo Lẻ Sống bình chọn, khi đang
cộng tác với ban kịch Dân Nam của Anh Lân, diễn xuất bên cạnh Túy Hoa, Túy
Phượng, Phi Bằng, Hoàng Cầm...
Năm 1960 Anh Thư cộng tác trong Ban Vũ của Đoàn Văn Nghệ do nhạc sĩ Hoàng Thi
Thơ thành lập, thường xuyên trình diễn tại vũ trường Maxim. Anh Thư từng theo
Đoàn đi lưu diễn nước ngoài như: Nhật, Mã Lai, Tân Gia Ba, Lào...
Một thời gian sau, Anh Thư chuyển hẳn qua kịch và phục vụ Văn nghệ Quân Đội tại
Biệt Đoàn Văn Nghệ Trung Ương thuộc Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị.
Sau 75, Anh Thư cộng tác với đoàn kịch nói Kim Cương và nổi trội trong những vai
phản diện, như: Cô Ba trong Lá sầu riêng, má Sinh trong Dưới 2 màu áo.v....v..
Khoảng thời gian nầy, Anh Thư yêu một nhân viên hậu đài của Đoàn, tên Quý. Năm
ấy, Anh Thư 41 tuổi và anh Quý 23 tuổi. Khoảng chênh lệch tuổi tác giữa hai
người là 17 năm. Đó chính là nỗi thống khổ, gian nan và tràn đầy thử thách. Để
được yêu nhau, hai người phải vượt qua rào cản của gia đình, vượt qua dư luận
của xã hội, vượt qua cả sự đàm tiếu của đồng nghiệp lẫn khán giả. Cuối cùng, họ
đã chiến thắng. Phần thưởng mà họ đạt được là một tổ uyên ương cho đôi vợ chồng.
Đời sống vợ chồng tương đối ổn định một thời gian. Bỗng dưng, một biến cố xảy
ra.
Cả hai đều bị Kim Cương cho nghỉ việc, với lý do: tình nghi vượt biên. Nỗi
oan khiên khó tỏ cùng ai? Nhất là làm sao bày tỏ với một người đang nhiệt tình
hoạt động Cách Mạng như Kim Cương lúc bấy giờ? Thử hỏi đồng lương đủ sống qua
ngày từ một Đoàn hát, làm sao vợ chồng Anh Thư có tiền, có của tích lủy để mưu
tính chuyện vượt biên? Kim Cương còn chứng tỏ sức mạnh của mình bằng cách áp lực
với Sở Thông Tin Văn Hoá Thành Phố, không cho phép các Đoàn hát khác thu nhận
đôi vợ chồng nầy. Nỗi oan khiên cộng với sự bế tắc về sinh kế. Cùn đường, Anh
Thư đành đánh nước liều, dọa sẽ ngồi ăn xin trước Sở. Anh Thư nói trong tiếng
khóc: “nghề hát mà không cho hát làm sao sống được”.
Ảnh chụp vào thời điểm phát triển tình cảm giữa Anh Thư với nhân viên hậu đài
nhỏ hơn mình 17 tuổi, khi đang cộng tác với Đoàn kịch nói Kim Cương.
Xúc động trước tình cảnh của hai vợ chồng Anh Thư, Thẩm Thúy Hằng lên vận động
với Sở Thông Tin Văn Hoá, xin chịu trách nhiệm và tạo điều kiện cho vợ chồng gia
nhập đoàn kịch nói của mình. Kết quả, hai vợ chồng được phục vụ trong Đoàn kịch
nói Bông Hồng và được giữ đúng nghiệp vụ của mình. Nghĩa là, Anh Thư vẫn giữ vai
trò diễn viên kịch, còn anh Quý, vẫn giữ nhiệm vụ nhân viên hậu đài.
Những tưởng đôi vợ chồng sẽ sống êm đềm trong hạnh phúc đơn sơ, nhưng đậm đà
tình nghĩa, sau khi họ đã không bị nhận chìm bởi vòng xoáy cuộc đời. Ai có ngờ
đâu, định mệnh nghiệt ngã đã đánh ngã Anh Thư.
Năm 2000 Anh Thư bị bệnh đau khớp, cộng thêm bệnh tim. Bệnh tình kéo dài, đi
đứng khó khăn, không thể tiếp tục hoạt động nghệ thuật để mưu sinh. Anh Thư đành
ngậm ngùi sang lại mái ấm gia đình của mình, là một căn nhà nhỏ trong chung cư
Bùi Viện, cho người khác, để lấy tiền chữa bệnh. Anh Quý phải thuê một căn nhà
nhỏ ở Quận 7 để có nơi chăm sóc vợ.
Anh không từ chối bất cứ một công việc nào dẫu khó khăn hay vất vả đến đâu, từ
lái xe ôm, đến làm thợ hồ, thợ điện nhà v..v... miễn sao có tiền để trang trải
chi phí gia đình và chạy chữa, thuốc men cho vợ.
Thế nhưng, Anh Thư đã không vượt thoát nổi số mệnh. Bệnh trạng chẳng những không
thuyên giảm, mà càng ngày càng tăng, khiến Anh Thư không còn đi đứng được nữa.
Trước đó, Anh Thư còn xoay trở tự lo cho chính mình, anh Quý còn đi làm được.
Nay Anh Thư đã nằm liệt, anh Quý phải nghỉ việc để phục dịch. Hiện trạng của Anh
Thư là hai chân bị teo cơ, mặt sưng phù, toàn thân đau nhức. Đêm ngày anh Quý
túc trực bên giường bệnh, chăm lo chu đáo cho vợ từ miếng ăn thức uống đến giấc
ngủ, vệ sinh cá nhân. Ngay chính những người từng phê phán, đàm tiếu và ngăn trở
tình yêu của hai người, nay cũng cảm thấy lương tâm cắn rứt. Hối hận về những
suy nghĩ, lời nói và hành động trước kia của mình. Không một ai không khỏi xúc
động, khi tận mắt chứng kiến nghĩa tình trong sự tận tình, đối với vợ mình nơi
anh Quý. Mới đây, mẹ của anh Quý, người đã từng không công nhận mối tình nầy, đã
từ quê lên thăm. Người mẹ già trước khi trở về quê, đã dặn dò con trai rằng:
“Con lo cho Thư yên ổn xong, rồi về với mẹ”.
Anh thân mến,
.... Điều đáng buồn là Tổ Dân Phố, Hội Phụ nữ, Phường, Quận...Không một cơ quan
nào, không một chính quyền địa phương nào, không một đoàn thể nào, không một tổ
chức nào... ghé mắt nhìn vào hoàn cảnh khổ đau của hai anh chị. Em là người phổ
biến và kêu gọi sự quan tâm giúp đỡ của đồng nghiệp, bạn bè, kể cả những người
chỉ quen biết, nhưng chưa thân thiết lắm với chị. Một mình em, em không đủ khả
năng dang đôi cánh tay bảo bọc cho chị. Cho nên, em trực tiếp đến với từng người
một, kể về nỗi bất hạnh của chị ấy và ngữa đôi bàn tay, xin một ít tiền mang về
cho chị.
Em đã xin và đã được nữ ca sĩ Thanh Tuyền gửi tặng một chiếc xe lăn. Chị ngồi
trên xe, anh Quý đẩy chị ra ngoài sân thở hít khí trời trong lành. Ôi! Hình ảnh
của một tình yêu chung thủy, đẹp biết bao! Anh ơi! Hình như chị ấy có phước khi
gặp anh Quý, nhưng vô phước, khi định mệnh cay nghiệt đã ngăn cản, chẳng những
không cho chị hưởng hạnh phúc, như hạnh phúc của bao lứa đôi trên cõi đời nầy,
mà ngay cả chút hạnh phúc nhỏ nhoi, được ngồi trên xe lăn để anh Quý đẩy, định
mệnh cũng cướp lại. Vì chẳng bao lâu sau, chị đã không còn ngồi dậy được nữa
rồi! Mỗi lần đến thăm chị, nhìn chiếc xe lăn cô đơn nằm buồn tênh bên góc vắng,
em nghe lòng trỉu nặng.
Em và Mỹ Chi mới vừa ghé qua chị. Cũng may, gặp lúc chị vừa tỉnh, sau gần nửa
tháng nửa tỉnh nửa mê, chập chờn như ngọn đèn dầu trước gió. Trong bầu không khí
u buồn và nặng nề, chị mệt mõi, thều thào tâm sự với bọn em: “Nếu cho chị lựa
chọn giữa 8 tỉ đồng và sự hết bịnh, chị sẽ xin được hết bịnh, để đừng khổ bản
thân và đừng làm khổ người khác”. Nói dứt câu, ánh mắt chị chầm chậm lướt qua
từng người một bọn em và sau cùng ánh mắt dừng lại nơi anh Quý. Anh biết mà! Mỹ
Chi là một danh hài, chỉ biết cười và chọc người khác cười. Vậy mà, em thấy chị
ấy quay lưng, nâng tay áo lên ngang tầm mắt. Em chắc chắn chị ấy đang chặm nước
mắt. Em nghe nghèn nghẹn trong tim, và cũng như Mỹ Chi, em quay lưng....
Tái bút: Chị cũng có đi bệnh viện chữa trị, nhưng tiền hết mà bịnh không hết. Em
nghĩ, nếu có tiền chữa bệnh theo Đông y như vật lý trị liệu, châm cứu, may ra
bệnh tình của chị có cơ thuyên giảm.
Em gái thân mến,
Đã từ lâu, những tưởng không chỉ riêng anh, mà hầu hết những người quanh anh, từ
trong nước chí đến hải ngoại, hình như đã cho con tim mình ngủ yên, để buông thả
đời mình trôi theo gạo tiền cơm áo. Nhưng qua các bức điện thư của em, anh cảm
thấy hổ thẹn với nhận thức hàm hồ, vơ đũa cả nắm đó, vì vẫn “còn có những con
tim”. Con tim sắt son của Anh Thư – Anh Quý. Con tim nhân ái của em, của chị
Tuyền, chị Hằng và của nhiều người biết xúc động trước một mối tình bi đát.
Vòng tay gầy guộc của anh vào tuổi hoàng hôn, xin được nối vòng tay bé nhỏ của
em, bằng cách chia sớt chút tiền già của anh cho Anh Thư, một người đã từng cùng
chúng mình chọn nghiệp dĩ “bán buồn mua vui”. Bắt chước em, anh cũng sẵn sàng
ngữa tay, nhận bất cứ sự quan tâm nào, của bất cứ ai, dù ít dù nhiều, chuyển về
em, để em đưa sang cho vợ chồng anh chị ấy. Với chút văn chương mộc mạc, anh xin
trải lòng mình qua bài viết nầy, cố gửi cho thật nhiều người đọc. Nhưng mà em
ơi! Không biết người đọc có tin anh không? Hay họ cho rằng anh viết truyện ngắn,
cường điệu và hư cấu? Giả sử có người có con tim rung động đồng điệu với mình,
họ sẽ thể hiện sự quan tâm của họ bằng cách nào nhỉ? Hay là, anh xin phép được
phổ biến số điện thoại của em, để ai cần biết thêm chi tiết để giúp đỡ, có thể
liên lạc với em? Riêng với những người Việt hải ngoại, nhất là ở Houston Texas,
quen biết với nữ danh ca Thanh Tuyền, một nghệ sĩ với tấm lòng vàng, có thể qua
nghệ sĩ nầy xác định, xem có phải đúng đây là “người thật, việc thật”hay không?
Nữ nghệ sĩ Thiên Kim: Cel. 0913.88.16.13
http://www.take2tango.com/~/n3ws/co-nhung-con-tim-8814.aspx