



Không được học hành, mồ côi từ năm lên 9, Lê Vũ Cầu phải đi đánh giày, làm thuê. Có lần, nghe bạn bè rủ rê, anh dính vào "nàng tiên nâu". Thế nhưng nhờ ý chí và được các cô chú trong đoàn cải lương Minh Cảnh giúp đỡ, anh đã không trở thành kẻ bỏ đi như nhiều người nghĩ.
Để từ bỏ nàng tiên nâu, Lê Vũ Cầu đã phải trải qua những cơn đau đớn khủng khiếp khi đói thuốc. Thể xác anh oằn oại như có hàng nghìn con sâu bọ rỉa vào tận da thịt. Nhưng rồi anh đã chiến thắng được bản thân mình. Anh tự nhủ: "Mình không còn cha mẹ, nếu sa chân vào sâu hơn nữa con đường ma quỷ này thì càng nguy hiểm, lỡ mệnh hệ thì biết kêu ai?".
Thế là từ một đứa trẻ chuyên bị sai vặt sau hậu đài, nhờ nỗ lực phấn đấu, Lê Vũ Cầu đã trở thành diễn viên đứng trên sàn diễn. Không được đào tạo chính quy như các đồng nghiệp, nhưng bù lại, gần 5 thập kỷ lăn lộn ở trường đời, anh có được vốn sống khá phong phú để mang vào nghề diễn. Anh nói: "Sân khấu đã mở rộng tấm màn nhung cho tôi được đổi đời. Tôi cũng may mắn được những người đi trước dạy bảo và thấm thía những điều hay trong chính những kịch bản mà tôi tham gia diễn. Nếu không có sân khấu thì tôi là kẻ vứt đi rồi".
Năng khiếu nghệ thuật bẩm sinh cộng với ý chí rèn luyện đã giúp Lê Vũ Cầu trở thành nghệ sĩ thực thụ. Mỗi nhân vật anh diễn đều mang một số phận, tính cách khác nhau. Với những vai chính kịch, anh nghiêm túc khai thác tận cùng tâm trạng nhân vật để tạo nên sức truyền cảm cho người xem. Anh diễn khá chân thực và không quá lạm dụng kỹ thuật.
Tuy nhiên, sau mỗi lần đóng phim, mỗi đêm diễn tặng cho khán giả những trận cười nghiêng ngả, lúc về nhà, ngả lưng xuống giường, anh lại cảm nhận sâu sắc sự cô độc của chính mình. Thời gian gần đây, anh buồn lo nhiều hơn. Đầu tháng 3 năm nay, khi đang dựng vở Con gái ngài giám đốc cho sân khấu 5B Võ Văn Tần, anh đột ngột ngã bệnh, phải nằm cấp cứu ở bệnh viện Bình Dân cả tháng trời. Trước đó, năm 2002, vì bệnh gan mà anh đã suýt phải từ giã cuộc đời.
Đạo diễn Thế Ngữ nói về Lê Vũ Cầu: "Các vai kịch, phim của Vũ Cầu đều tạo cho khán giả lòng tin với cuộc đời. Có lẽ bởi những nỗi truân chuyên đeo đẳng, buồn nhiều, vui ít nên anh đã đem cả nước mắt trong đời thường vào sân khấu. Vị chát của cuộc sống, của thân phận con người đã khiến anh tạo ra tiếng cười mang đậm màu sắc riêng của nghệ thuật sân khấu".
(Theo Thế Giới Nghệ Sĩ)
'Sụp đổ' - cuộc chơi táo bạo của nghệ sĩ Lê Vũ Cầu.
Sau vở 'Con gái ngài giám đốc', anh lại chuẩn bị đạo diễn 'Sụp đổ', được đầu tư khoảng một tỷ đồng. Anh thổ lộ, đây là vở 'chia tay' làng sân khấu sau một cuộc chơi kéo dài gần 20 năm.
- Điều gì khiến anh lao vào một kịch bản tầm cỡ, quy mô như vậy?
- Đúng là tôi muốn lao vào một cuộc chơi mới, dù là cuộc chơi cuối cùng của sân khấu, vì quả thật tôi đã ngán ngẩm cái cảnh đưa ra một kịch bản kèm theo mấy chục triệu đồng gói gọn, cứ quanh đi quẩn lại trong cái hộp sân khấu vuông vuông. Rất thèm làm một cái gì đó cho đã tay. Tình cờ gặp kịch bản Sụp đổ của ông Dương Linh, tôi chợt nghĩ ra những ý tưởng dàn dựng là lạ, bèn đẩy tới luôn. Sau này chúng tôi sẽ đổi tựa đề cho mềm mại hơn.
- Anh nghĩ sao khi đề tài truyền thống cách mạng sẽ khó hấp dẫn người xem hiện nay?
- Kịch bản này lấy bối cảnh trải dài từ lúc Mỹ đem tàu chiến vào Đà Nẵng năm 1963 cho đến ngày giải phóng miền Nam 30/4, trong đó có rất nhiều cuộc đấu tranh của các chiến sĩ cách mạng như Võ Thị Sáu, Nguyễn Văn Trỗi. Tôi nghĩ đề tài cách mạng không có gì đáng sợ, nếu mình làm cho hấp dẫn.
Sẽ có 2 trực thăng và 2 xe tăng hiện diện trên sân khấu và ngoài sân. Có cảnh đốt cháy xe tăng. Có cảnh đồng ruộng với người dân hiền lành đang trồng trọt, bất ngờ một chiếc máy bay với hàng trăm lính đổ bộ chụp xuống đè nát tất cả, nghĩa là thiết kế sàn diễn trên máy bay luôn. Nhà nước cho mượn xe tăng, máy bay và góp thêm lực lượng gồm 200 bộ đội tham diễn. Diễn viên chính hơn 10 người, cộng với vai phụ và vai quần chúng khoảng 100 người.
- Kinh phí lớn như thế anh lấy từ nguồn nào?
- Tôi đã trình lên Ban khoa giáo Trung ương, được hoan nghênh và tài trợ 300 triệu đồng. Số còn lại tôi sẽ vận động các ban ngành khác. Giá vé sẽ vừa phải, để nhiều người được thưởng thức.
(Theo Thanh Niên)
Nghệ sĩ Lê Vũ Cầu và niềm say mê làm kinh doanh





Ngoài vai trò diễn viên hài của nhiều sân khấu lớn ở TP HCM, anh còn là ông chủ của quán "Gà vườn vợ thằng Đậu", chuyên kinh doanh các món gà. Lê Vũ Cầu tâm sự, tính anh vốn nghệ sĩ nên chưa bao giờ dám nghĩ mình sẽ làm kinh doanh nhưng khi bắt đầu làm lại thấy có thêm niềm đam mê ngoài nghệ thuật.
- Duyên cớ nào đưa anh đến với nghề tay trái?
- Cách đây 5 năm, tôi có thuê căn nhà ở Thủ Đức để ở. Tính tôi thích rộng rãi, thoáng mát, có cây xanh và thiên nhiên nên thuê căn nhà diện tích rộng. Nhiều bạn tới chơi khuyến khích tôi mở quán vì thấy địa thế khá thuận lời. Lúc đó tôi cũng thấy thích nhưng chưa biết sẽ mở quán gì, sau khi được nhiều người cố vấn, tôi quyết định mở quán gà và nhờ trời, công việc làm ăn rất trôi chảy. Có một nghề tay trái sẽ đảm bảo cho cuộc sống của tôi sau này từ giã sân khấu, có nơi dưỡng già để gặp gỡ bạn bè và khán giả thân thương.
- Anh nghĩ sao khi có ý kiến cho rằng một nghệ sĩ kinh doanh sẽ được khách hàng ủng hộ hơn?
- Tôi không phủ nhận điều này nhưng nếu chỉ dựa vào tiếng tăm của mình thì chưa đủ. Muốn thu hút khách trước tiên vẫn phải là chất lượng. Tôi luôn lấy chữ tín lên hàng đầu.
- Tại sao thời gian qua anh ít xuất hiện trên sân khấu?
- Tôi vừa trải qua cơn bệnh nặng nên chưa muốn nhận một vai kịch dài. Bên cạnh đó, năm nay là năm tuổi của tôi nên chưa có dự tính nhiều, sợ nói trước bước không qua.
- Trong vai trò đạo diễn, sắp tới anh có dự tính gì?
- Sau thành công của vở Con gái ngài giám đốc, tôi vừa dàn dựng xong vở Chuyện lạ cho sân khấu kịch 5B Võ Văn Tần, đây là vở diễn tôi đặt rất nhiều hy vọng bởi đề tài rất hay. Ngoài ra, tôi vẫn nuôi ý định dàn dựng kịch bản Sụp đổ, nói về việc chứng kiến một gia đình khi Sài Gòn vừa giải phóng, sẽ có máy bay trên sân khấu nên kinh phí phải đầu tư hàng tỷ đồng. Hiện nay tôi mới chỉ dành dụm được 1/4 số tiền.
- Hết sân khấu lại đến kinh doanh, anh dành thời gian đâu cho chuyện riêng?
- Tôi vẫn chưa có kế hoạch cụ thể cho việc lập gia đình. Tuy nhiên, tôi vẫn muốn sức khỏe của mình ổn định rồi mới tính.
(Theo Thế Giới Nghệ Sĩ)
Lê Vũ Cầu từ giã sân khấu vì bạo bệnh.
Khi Lê Vũ Cầu được đưa vào cấp cứu ở Bệnh viện An Bình (TP HCM), Phước Sang đã mua sẵn quan tài, đạo diễn Thế Ngữ cũng được cắt đặt vào Ban tang lễ, mọi người đã xin cho anh được quản ở Nhà tang lễ Thành phố. Ngay bác sĩ chuyên khoa cũng không tin là anh sẽ sống. Vậy mà anh vẫn sống...


(Lê Vũ Cầu (trái) và đạo diễn Hùng Lâm).
Lê Vũ Cầu nhớ lại cơn hôn mê kéo dài hơn 3 ngày lúc anh vào nhập viện tháng trước. Chỉ đến khi bác sĩ làm phương pháp thông tiểu thì cơn đau xé của thể xác mới khiến anh tỉnh giấc. Ngay cả khi anh đã tỉnh, bác sĩ vẫn chích thuốc chống ngủ cho anh, bởi nếu chìm vào giấc ngủ thì cơn hôn mê sẽ lại tìm đến và đưa anh về thế giới bên kia. Chợt tỉnh, nằm không quần áo trên người, Lê Vũ Cầu thấy bạn bè, người thân tề tựu xung quanh giường bệnh để được bên anh lần cuối. Cả 5 chị em mồ côi lưu lạc của gia đình anh chưa một lần họp mặt đầy đủ cũng đã về.
Đạo diễn Thế Ngữ, người anh - người bạn thân thiết nhất luôn túc trực bên anh cho biết, căn bệnh xơ gan cổ trướng đã khiến anh nhiều lần tưởng chết, nhưng đây là lần nặng nhất, vô vọng nhất. Bệnh viện An Bình có 18 giường cấp cứu thì Lê Vũ Cầu nằm ở giường số 1, "gần" nhà vĩnh biệt nhất. Mọi người còn nghĩ, nếu cảm thấy anh quá đau đớn thì nên rút ống thở oxy để giải thoát cho anh. Nhưng Lê Vũ Cầu nói: "Tôi vẫn còn muốn sống. Cuộc sống này vẫn còn nhiều thứ thú vị lắm".
Nhưng bây giờ thì Lê Vũ Cầu lại muốn đi xa. Anh cho biết sẽ vắng bóng một năm, đến một nơi không ai biết Lê Vũ Cầu là ai để tĩnh tâm dưỡng bệnh, để làm những gì mà anh muốn làm trong phần cuối cuộc đời. Thêm một lần bước qua lằn ranh mong manh giữa sự sống và cái chết của một người bệnh, lại sắp "mai danh ẩn tích" nên Lê Vũ Cầu có quá nhiều điều muốn nói. Nhưng anh đâu thể nói hết. Anh chỉ biết nghẹn ngào cám ơn. "Tôi đã nhiều lần tìm đủ cách để được giải thoát… Có lúc tôi buộc dây thắt cổ ở đầu giường rồi lăn xuống cho chết mà vẫn không chết. Nhưng bây giờ tôi nghĩ chết thì cũng dễ lắm, nên tôi phải sống, sống vì những người đã yêu thương tôi".
Sẽ sống vì những người yêu thương anh, nhưng anh cũng phải chia tay một thứ mà anh quá thương yêu: sân khấu. Lần này Lê Vũ Cầu chính thức nói lời chia tay sân khấu. "Buồn lắm! Đau lắm chứ... Nhưng thôi, hãy cho mọi thứ qua đi...". Được chuyển từ Bệnh viện An Bình về nằm điều trị ở Viện Y dược học dân tộc, cách sân khấu Phú Nhuận có mấy bước, nhưng Lê Vũ Cầu không còn bước vào đây xem kịch nữa. Anh sợ có những thứ trong tâm hồn anh sẽ bị đánh thức. Mới đây thôi anh còn dựng vở Chuyện lạ cho Nhà hát Sân khấu nhỏ. Rồi anh tiết lộ là sẽ làm một vở kịch cách mạng thật hoành tráng nữa. Thậm chí trong những ngày điều trị, nửa đêm anh vẫn gọi đạo diễn Thế Ngữ để bàn những ý tưởng sắp tới. Khi nói tiếng giã từ cũng là lúc anh cảm thấy mình quá mệt mỏi. Sân khấu như một mối tình đam mê mà giờ đây anh không còn đủ sức đeo đuổi, không còn đủ sức chống lại sự cám dỗ của nó, nên anh phải chạy trốn.
Lê Vũ Cầu lúc này hay nằm, ít đi, có đi cũng chỉ khoảng 100 mét là mệt vì ảnh hưởng đến tim. Anh từ chối chụp hình vì không muốn công chúng nhìn thấy bộ dạng của mình trong những ngày bệnh tật. Đêm đêm, anh phải mượn tiếng chuông, tiếng mõ tụng kinh để dỗ dành mình vào giấc ngủ vốn nhiều cơn mộng mị khác thường của người vừa thoát khỏi tay thần chết.
(Theo Thanh Niên)
Lê Vũ Cầu - gã giang hồ lương thiện
Một ngày cuối năm 1963, chiếc máy bay bị trúng đạn bay vòng vèo qua thị xã Cà Mau, bất thần nó lủi vào một ngôi nhà bên bờ sông, cạnh cầu sắt Phán Tề làm hai vợ chồng người chủ nhà bị vùi trong đất, bỏ lại 6 đứa trẻ mồ côi, trong đó có Lê Vũ Cầu vừa lên 8 tuổi.
Nhà cửa không còn, cha mẹ không còn, chị em Cầu được bà con thân tộc chia nhau mỗi người nuôi một đứa. Cầu theo bà nội về Tây Ninh được một năm thì bỏ nhà đi bụi. "Ở nhà nội, mình hay bị mấy ông anh con của người bác ăn hiếp, vừa tủi thân, vừa tức giận. Một hôm giành nhau trái vú sữa sau vườn, không nhịn nữa mình thoi vào mặt ông anh, chảy máu mũi. Hoảng quá, nghĩ mình phận mồ côi, người ta có cha có mẹ, về nhà chắc chắn sẽ bị ăn đòn, rồi sẽ bị mấy anh hành hạ dài dài, càng nghĩ mình càng sợ không dám về nhà", anh kể lại.
Lê Vũ Cầu nhảy lên xe đò đi Sài Gòn, lang thang mấy ngày ở bến xe Pétrus Ký. Một hôm, anh xin làm lơ cơm cho chiếc xe đò chạy tuyến miền Trung mà chẳng biết điểm dừng của nó ở đâu. Cầu ngơ ngác trước những làng mạc, đồng quê, núi đồi, đèo cao và biển cả. Anh cũng chẳng hiểu sao mình lại chọn thành phố Quy Nhơn làm điểm dừng chân để bắt đầu một kiếp sống bụi đời. Quê hương, nhà cửa, người thân, chén cơm, manh áo và những câu hỏi về cuộc mưu sinh với cậu bé 8 tuổi như Cầu chỉ là những khái niệm rất mơ hồ. Chẳng bao lâu, Cầu nổi danh là Cầu "Sài Gòn" trong những băng nhóm trẻ lang thang ở thành phố Quy Nhơn. Từ ăn xin, đánh giày đến chôm chỉa, cướp giật ở nhà ga xe lửa, đánh Mỹ để bảo kê cho gái giang hồ... chuyện gì cũng làm được nếu nó mang lại miếng cơm.
Cuộc sống trở nên sang trọng hơn khi Cầu phát hiện kho hàng của căn cứ Mỹ. Ban đêm, 7 đứa trẻ, mỗi đứa một cây kìm cắt hàng rào kẽm gai mò vào kho, gặp cái gì vác ra cái nấy, có khi là bơ sữa, thịt hộp... có khi là cả một thùng lựu đạn hay súng Colt 45. Ăn quen bắt bén, một đêm nọ vừa qua lớp hàng rào thứ ba thì bị lính canh phát hiện, đèn pha sáng một vùng trời, đạn bắn xối xả như mưa. Cầu chạy bán mạng xuống bờ sông, chui vào chiếc tàu cá. Sáng ra thấy chỗ hiện trường người ta bu đông nghẹt. Cầu lọ mọ đến xem. Một thảm cảnh kinh hoàng: 6 đứa bạn của anh bị bắn chết đêm qua nằm xếp hàng trên vũng máu, ngực mỗi người mang hai chữ VC (Việt cộng).
Cú sốc về cái chết của sáu người bạn đã làm cho Lê Vũ Cầu trở nên bấn loạn, khi thì âm thầm lặng lẽ với công việc đánh giày, lúc lại nổi cơn điên lao vào dao búa. Hồi ấy, những đứa trẻ đánh giày ở Quy Nhơn đều phải chịu sự chăn dắt và quản lý của một tên trùm anh chị gọi là đại ca, nghĩa là chiều về phải nộp hết tiền cho đại ca mới được hành nghề. Hôm nào nộp ít thì bị nghi ngờ là gian lận, giấu tiền, bị hạch sách, bị chửi mắng, thậm chí bị ăn đòn. Buổi sáng hôm nọ, vì không kiềm chế được, Cầu ném nguyên cái hộp đồ nghề bằng gỗ vào mặt hắn, máu tuôn xối xả. Từ hôm ấy, đại ca biến mất, trả lại tự do cho nhóm trẻ đánh giày ở Quy Nhơn.
Rồi có một đêm nọ đoàn cải lương Minh Cảnh ra hát ở Quy Nhơn, Lê Vũ Cầu cảm thấy lòng dạ bồi hồi khi nghe câu vọng cổ, cảm thấy lạc lõng, chơi vơi nơi đất khách quê người. Và, dường như điệu đàn vọng cổ đã làm cho anh chạnh lòng khao khát một quê hương dù quê hương trong anh không có một hình ảnh rõ ràng, không một địa danh nào cụ thể. Chỉ biết một cách mơ hồ rằng nơi đó có những dòng sông, những bến nước xuồng ghe dập dìu tấp nập, những cánh đồng xanh biếc, những buổi chiều quê ngân nga tiếng vọng cổ u buồn.
Được nhận vào đoàn cải lương Minh Cảnh để làm nhân viên hậu đài và soát vé, Lê Vũ Cầu cảm thấy quá khủng khiếp khi nhìn lại 5 năm sống ở Quy Nhơn. Anh cũng chẳng hiểu sao mình đến đó, chẳng ai ép, cũng chẳng ai mời, cứ như từ trên trời rớt xuống để rồi cho và nhận từ mảnh đất này trăm thứ đắng cay.
Cứ nghĩ, đi theo đoàn hát cho thoả mãn kiếp giang hồ. Từ đoàn Minh Cảnh sang Mây Tần, Hương Mùa Thu, Kim Chưởng, Phước Chung, Bông Hồng, Cửu Long Giang... đi lưu diễn khắp miền Trung đến miền Tây. Từ một nhân viên hậu đài, soát vé, kéo micro, kéo màn, đấm bóp cho kép chính rồi được đóng vai quân sĩ câm, quân sĩ cấp báo, dần dần lên vai phụ, kép độc rồi kép chính. Từ cải lương sang kịch nói, Lê Vũ Cầu chẳng bao giờ hy vọng mình trở thành một nghệ sĩ nổi danh. Ngay cả bây giờ cũng thế, chưa bao giờ anh tự cho mình là một danh hài. Kiếp giang hồ đã tạo cho anh thành kẻ khinh tài trọng nghĩa, sống hết mình, sống bản năng và hoang dã. Trường học lớn nhất của Lê Vũ Cầu là sân khấu, là chuyện nhân tình thế thái trên sàn diễn. Những nhân vật giang hồ hảo hớn sống bất cần đời trong những vở tuồng kiếm hiệp đã tạo thêm chất hoang dã trong con người đã trót giang hồ từ tấm bé của Lê Vũ Cầu. Sân khấu đã biến anh thành kẻ giang hồ lương thiện, nếu không, chẳng biết cuộc đời sẽ đưa anh vào ngã rẽ nào.
Khi hài kịch bắt đầu lên ngôi thì diễn viên hài cũng bắt đầu có của ăn của để, nhưng Lê Vũ Cầu dường như không có khái niệm tích luỹ, hễ có tiền là anh đi tìm bạn để nhậu đến đồng bạc cuối cùng. Anh nói cuộc đời mình đã nhận nhiều hơn cho thì hà tất gì phải tích luỹ, đồng tiền để trong túi chỉ làm anh day dứt.
Lê Vũ Cầu mở quán Vợ Thằng Đậu để làm một chốn đi về, làm nơi hội ngộ những bạn bè thân hữu, để những đứa cháu ở thôn quê có công việc làm ăn. Nhưng không ngờ cái thương hiệu Lê Vũ Cầu với chùm hài kịch Vợ thằng Đậu đã làm nên thương hiệu quán. Có đất đai mênh mông, có tiền dư dả, Lê Vũ Cầu nghĩ đến một cuộc chơi: Miếng đất hơn một mẫu ở ngã ba Vũng Tàu, anh sẽ cắt ra chia cho những bạn bè chí cốt mỗi đứa một cái nền rộng chừng vài trăm mét vuông để xây dựng nhà vườn, gom lại dăm bảy thằng thành một khu nhà nghệ sĩ, cuộc đời như thế là quá đủ, anh chẳng cần gì ngoài tình nghĩa bạn bè. Lê Vũ Cầu lặn lội ra Quảng Nam tìm mua nhà cổ để chuẩn bị cho một cuộc chơi thì đùng một cái anh nghe cơ thể mình đau đớn với những triệu chứng khác thường.
"Khi biết mình bị xơ gan không còn cách nào chữa trị, lẽ ra phải bỏ rượu thì tôi lại nhậu nhiều hơn, nhậu để chết sớm cho rồi. Mà thật ra tôi đã chết từ lâu nếu không có anh Thế Ngữ. Trong một cơn đau bất tỉnh, anh Ngữ đã đưa tôi vào Bệnh viện An Bình. Nằm ở đó một thời gian, bạn bè xúm lại chuyển tôi qua Bệnh viện Việt Pháp với hy vọng được điều trị tốt hơn. Nhưng ở Việt Pháp họ quản lý quá nghiêm ngặt, không cho thân nhân vào chăm sóc. Một đêm nọ nằm một mình buồn quá, tôi nghĩ đến cái chết. Nhưng sợi dây cáp truyền hình không treo nổi thân tôi", anh nhớ lại.
Một ngày cuối năm 2004, báo chí đưa tin Lê Vũ Cầu đang hấp hối, bạn bè, đồng nghiệp, người thân, khán giả ùn ùn kéo đến. Hội Sân khấu thành lập ban tang lễ, người lo điếu văn, người lo mua hòm, người lo nhà tang lễ, người đi chùa nghệ sĩ xin đất nghĩa trang. Nhiều khán giả ngưỡng mộ Lê Vũ Cầu kéo nhau đi nhà thờ cầu nguyện, những gia đình Phật tử tổ chức cầu an.
Nhưng sau ngày thứ ba, chẳng hiểu phép mầu nào đã vực Cầu sống lại.
Sống! Tại sao mình lại sống? Sống bao lâu nữa? Và sống như thế nào? Đó là những điều mà Lê Vũ Cầu luôn tự hỏi. Phải chăng có sự nhiệm màu từ những lời cầu nguyện hay từ những liều thuốc gia truyền mà khán giả đã cho anh? Anh mở quán cơm từ thiện để giúp trẻ mồ côi, những người thất cơ lỡ vận, những hành khất qua đường, nhưng phải bằng tấm lòng, bằng sự trân trọng thật sự như những tình cảm mà bạn bè và khán giả đã giúp cho mình. Chính vì lẽ ấy, anh dạy nhân viên phục vụ không được phân biệt đối xử giữa khách ăn cơm từ thiện và thực khách bình thường. Thức ăn từ thiện phải sang trọng, sạch sẽ và thay đổi thực đơn liên tục, phải bảo đảm chất lượng như sản phẩm kinh doanh.
Bây giờ, nếu có ai hỏi rằng anh có dự tính gì không, anh chỉ trả lời gọn: "Nếu bán được đất, mình sẽ tiếp tục đầu tư cho quán cơm từ thiện, thế thôi. Nhìn người ta ăn thấy thương lắm, chỉ tiếc rằng mình chưa đủ sức để làm cho nó đàng hoàng hơn nữa".
(Theo Sài Gòn Tiếp Thị)