Thương Hoài
Mới đây, chưa đầy một tháng, Thương Hoài@ khi gọi điện thoại về thăm Ông ở Sàigòn, đạo diễn Lê Hoàng Hoa vẫn cho biết, cuối tháng 11 này Ông sẽ về Cali tổ chức một đêm thứ năm tại vũ trường Bleu thật đầy đủ những người bạn xưa. Sẽ có AC Lê Quí Ðình và nhóm bạn Huế cũ như Võ Ðình Ðắc, NS Nguyễn Văn Y.. Sẽ có Kim Vui, Trần Quang, Thanh Lan, Xuân Thu, Kiều Chinh, Băng Châu, Lệ Thu, Cát Phương (Maxim), Hoài Mỹ.. và cô cháu họ, nữ ca sĩ Thanh Thúy từ Sacramento bay về. Ðó là những khuôn mặt ca sĩ, mà cũng là diễn viên điện ảnh dưới ống quay màn ảnh lớn của Ông, kể cả Lệ Thu, Thanh Thúy, Kim Chi.. Tuần qua, trên mạng Face Book, Trần Quang - tài tử chính của Vết Thù Trên Lưng Ngựa Hoang cho biết, xác nhận với Thương Hoài@: “Tôi cũng vừa gặp Lê Hoàng Hoa, anh cho biết sẽ ghé Mỹ cuối tháng 11 này để họp mặt bạn bè, vậy thì vui quá.. “.
Lời nói của Lê Hoàng Hoa còn nóng hổi nhưng giờ đây Anh đã ra đi. Ra đi như một sắp đặt của định mệnh. Ra đi lúc cuốn phim “Con Ma Nhà Họ Hứa trở lại” được cấp giấy phép khởi quay.. vậy thì nói một cách khác, Nếu bóng ma họ Hứa được chưa được trở về, đạo diễn họ Lê có phải tới lúc ra đi không? Và nhất là giờ phút lâm chung của Ông, là đúng 11g30 khuya, đúng ngay tên của bộ phim mà Anh đã bấm máy quay khoảng nửa thế kỷ trước.

Dưới đây là một số lời chia sẻ kỷ niệm của một số nghệ sĩ , diễn viên.. do Thanh Hiệp, Thương Hoài@, Âu Cường Anh đã thực hiện, người viết xin tổng hợp lại. Mời bạn đọc thưởng thức.
-Ca Sĩ Phương Hồng Quế:
Kỷ niệm với Anh Lê Hoàng Hoa thì vô số kể, càng nhắc lại thêm buồn. Những năm 1968, 1969 khi anh Hoa còn đang làm quen Phương Hồng Loan, ngày ngày Quế chở Loan đi học thầy Nguyễn Ðức trên chiếc Solex của mình, Anh Hoa đều đi theo chụp hình 2 đứa thật nhiều để bỏ lên tờ Màn Ảnh, Kịch Ảnh mà Anh cộng tác ngày đó. Gia đình ảnh người Huế, ba mẹ khó khăn lắm, vậy mà Phương Hồng Loan cũng chiều chuộng được. Ðám cưới anh Hoa và Loan tổ chức trước đám cưới chị Thẩm Thúy Hằng 1 ngày, cùng một nơi, vui thật là vui.
-Nghệ Sĩ Mộng Tuyền:
Tôi đến sân khấu với nghệ danh Kim Loan, vì ba tôi hồi đó là dân đờn ca tài tử, đã lập ban tài tử ở Bến Ninh Kiều, Cần Thơ mang tên Kim Loan. Ðến khi tôi lên Sài Gòn, tham gia vào làng nghệ thuật chuyên nghiệp, được gặp đạo diễn Lê Hoàng Hoa, ông đã mời tôi tham gia bộ phim 11 Giờ 30 do Trung tâm Ðiện Ảnh Sài Gòn sản xuất. Lúc đó đạo diễn Lê Hoàng Hoa đã hỏi tôi: "Em hát cải lương được bao lâu?", tôi nói chỉ mới bắt đầu, anh nói thêm: "Với điện ảnh, sự bắt đầu này đòi hỏi gấp 3 lần so với sân khấu cải lương". Vĩnh biệt anh Hoa, anh mãi mãi sẽ sống trong lòng công chúng yêu nghệ thuật và điện ảnh nước nhà.
-Nghệ Sĩ Cát Phương (vũ đoàn Maxim):
Ngày tôi xuất hiện trong phim Hoa Mới Nở của hãng Lidac do Ông Phạm Hoàng Kim làm giám đốc, khoảng năm 1970, tuy Ông không đạo diễn phim này nhưng Ông có ghé chụp cho Cát Phương và chị Xuân Trang nhiều bức ảnh rất đẹp. Phim Ông làm đều là những bộ phim ăn khách và những bức ảnh Ông chụp, đều là những tấm có góc cạnh khác người. Người tài giỏi mà đi nhanh quá, quả là một sự mất mát lớn cho điện ảnh VN.
- Nghệ Sĩ Huỳnh Thanh Trà:
Ðạo diễn Lê Hoàng Hoa chọn tôi vào phim Ðiệu Ru Nước Mắt (thực hiện năm 1970). Tuy ảnh hưởng của dòng phim cao bồi Mỹ nhưng được đạo diễn Lê Hoàng Hoa đã cố gắng Việt hóa. Nhân vật du đãng Trần Ðại dẫu một thời làm mưa làm gió trên giang hồ nhưng tận sâu trong nội tâm vẫn cần tình yêu, tình bạn. Ðạo diễn Lê Hoàng Hoa chú ý khai thác sự chuyển hóa của một tên cướp, để nhấn mạnh tư tưởng "quay đầu là bờ". Hay tin anh Hoa qua đời, tôi bàng hoàng xúc động. Vậy là tôi đã mất đi một người anh... (tin TH)
-Nghệ Sĩ Thanh Tú:
Tôi có nhiều kỷ nhiệm với anh Lê Hoàng Hoa khi tham gia bộ phim Con Ma Nhà Họ Hứa (1972-1973) do anh làm đạo diễn. Bộ phim dựa vào câu chuyện có thật trong gia đình nhà họ Hứa. Phim được quay tại một biệt thự ở Ðà Lạt. Ngày nay, ngôi biệt thự này nổi tiếng là thần bí và người dân ở Ðà Lạt khi nhắc đến ngôi biệt thự này, thường gọi nó là "căn nhà ma". Bộ phim này do ông chủ của đoàn cải lương Dạ Lý Hương (lúc đó cũng đứng ra lập hãng phim) đầu tư và mời đạo diễn Lê Hoàng Hoa thực hiện. Phim còn có sự tham gia của các nghệ sĩ Năm Châu, Bạch Tuyết, Dũng Thanh Lâm, Tư Rọm, Bà Năm Sa Ðéc, Ba Vân, Khả Năng, Thanh Việt và Tùng Lâm. Tôi nhớ mãi những phân đoạn phải quay nhiều lần, vì tôi cũng sợ ngôi nhà ma ở Ðà Lạt, mà anh Hoa thì lúc nào cũng bắt tôi phải khám phá, thâm nhập để khi quay có cảm xúc thật. Nhớ đến bộ phim lại nhớ đến dự án dở dang của anh khi muốn làm phần 2 câu chuyện phim này, thế mà nay anh đã ra đi. Xin thắp nén hương vĩnh biệt anh. (tin TH)
-Nghệ Sĩ Thẩm Thúy Hằng:
Tôi tham gia nhiều phim do anh làm đạo diễn. Nhớ nhất là phim Giỡn Mặt Tử Thần. Lúc đó tôi và Bảo Ân đóng chung. Tuy nhiên vì phim được dàn dựng cận ngày 30-4, đến nay vẫn là bộ phim tư liệu của điện ảnh nước nhà chưa được trình chiếu. Nay, hay tin anh mất, tôi rất xúc động. Chia tay anh Hoa, mong anh dưới suối vàng mỉm cười vì phim ảnh của anh công chúng vẫn luôn nhớ, giới nghệ sĩ chúng tôi vẫn dành nhiều cảm xúc khi xem lại và khi nhắc về anh.
Ðiều làm tôi cảm kích và học hỏi rất nhiều ở những tác phẩm điện ảnh mà ông đã làm, đó là sự nghiêm túc trong dàn dựng, phim ít có lỗi kỹ thuật, càng không có những cảnh quay ẩu. Ông cẩn thận đến từng chi tiết, hành động và luôn dành khoảng trống để người xem lắp trí tưởng tượng vào phim do ông làm. Nay ông đã ra đi, để lại niềm thương tiếc cho nhiều thế hệ nghệ sĩ, trong đó có cả những nghệ sĩ sân khấu của chúng tôi. (tin TH)
CA SĨ THANH LAN VÀ NHỮNG KỶ NIỆM KHÓ QUÊN VỚI ÐẠO DIỄN LÊ HOÀNG HOA
Tin Lê Hoàng Hoa vừa ra đi, Thanh Lan có lẽ là 1 trong những người ca sĩ đầu tiên mà Thương Hoài@ liên lạc để báo tin. Lúc ấy, Cali còn sớm lắm. Hình như mới 9 giờ sáng thì phải, Thanh Lan có lẽ còn ngủ nhưng vẫn cố bắt phone. Tin dữ về anh Hoa được báo, chị sững người cả mươi giây đồng hồ. “Tin có chắc không..?”.. Thanh Lan nói ít nhất 2 lần để cứ mong rằng đó là một tin Cá Tháng Tư.. người at có quyền chọc ghẹo nhau. Không, đó là một tin buồn có thật, cho Thanh lan, cho Thương Hoài@ và cho những ai yêu nền nghệ thuật thứ bẩy của Việt Nam trước 1975. Chị hứa sẽ có một bài viết để nhớ về Anh Lê Hoàng Hoa, và giờ đâïy mời mọi người cùng đọc:
“Lại một nghệ sĩ đã ra đi về bên kia thế giới. Bên kia thế giới của những điều ngoài tầm hiểu biết của chúng ta. Những khuôn mặt thân quen ấy đã đến một nơi đẹp đẽ hơn, đầy hoa thơm cỏ lạ hoặc một nơi mịt mù sương khói không còn nhận ra được hình ảnh của nhau?
Thoắt đã mấy mươi năm từ những ngày đạo diễn Lê Hoàng Hoa sáng chói trên vòm trời điện ảnh Sàigòn. Bắt đầu bằng những chương trình ca nhạc trên Ðài Truyền Hình của những ngày Sàigòn mới làm quen với màn ảnh nhỏ. Ðạo diễn Lê Hoàng Hoa đã thực hiện tiếp những cuốn phim màu đại vĩ tuyến được chiếu ra mắt tại rạp Rex, nơi cuốn hút mọi tầng lớp khán giả từ khắp các nơi đổ về, trong đó có Chân Trời Tím.
Thanh Lan được làm việc với đạo diễn Lê Hoàng Hoa lần đầu tiên trong chương trình Ðêm Vô Tuyến. Dạo ấy tôi chưa phải là một ca sĩ chuyên nghiệp nhưng cũng được nhiều ban nhạc mời thâu truyền hình sau lần xuất hiện trên màn ảnh nhỏ với nhóm sinh viên Nguồn Sống. Chương trình Ðêm Vô Tuyến được phát hình vào cuối tuần nên được rất đông khán giả chờ xem. Ðạo diễn Lê Hoàng Hoa đón tôi với nụ cười tươi và cách làm việc mau mắn, đầy say mê, khiến cho tôi cũng cảm thấy vui vẻ và dễ dàng trong công việc quay hình ngày hôm ấy.
Tất cả ban nhạc đã sẵn sàng ngồi trong một góc phòng, nhân viên thu âm đua7 cho tôi một chiếc microphone bé tí teo và bảo tôi gắn vào trong người, làm sao cho đừng thấy. Cảnh trí được dàn dựng cho bài hát “Quand Le Soleil É’tait Là” tức là bài hát quen thuộc “Quando Calienta El Sol” là một chiếc ghế bố dài để cho tôi có thể, trong một lúc nào đó, ngồi xuống như ngồi hát ở một bãi biển. Ðó là một ý kiến mới của Ðạo diễn Lê Hoàng Hoa, vì mọi khi tôi thường được đứng hát bên một giàn hoa, hoặc bên khung cửa sổ. Lạ hơn nữa là sau khi quay hình, nhân viên của Ðài Truyền Hình sẽ vẽ thêm một mặt trời thật to ở một góc của màn ảnh, trông rất ngộ nghĩnh, nhưng điều đó chỉ khi nào phát hình, tôi mới được thấy. Tất cả im lặng. Nhạc trưởng ra dấu và ban nhạc bắt đầu. Tôi vừa hát theo ban nhạc, vừa diễn tả bài hát mà tôi đã chọn, một bài hát tôi rất thích nên tôi đắm chìm trong bài hát. Với chiếc quần thung bó sát người và một áo sơ mi có hoa li ti được cột chéo ở ngang eo.
Ðược biết Ðạo diễn Lê Hoàng Hoa đã được đi học ở Mỹ về nên mọi người rất nể Ông, mà cung cách của Ông cũng rất là Mỹ. Ấn tượng đầu tiên của tôi thật là tốt đẹp khi gặp đạo diễn Lê Hoàng Hoa tại Ðài Truyền Hình Sàigòn lúc đó còn nằm tại Trung Tâm Ðiện Ảnh Quốc Gia ở đường Thi Sách. Sau này nghe nói vợ con anh đi vượt biên mất tích, tôi thật đau xót trong dạ, mặc dù tôi không hề nhắc gì với anh về chuyện đó, cứ sợ anh buồn nên không dám nhắc, nhưng tôi cứ nghĩ, mình mà mất một đứa con thôi cũng mất hết cả sức sống rồi, huống chi anh mất cả vợ và con. Rồi Thượng Ðế cũng thương Anh, cho anh lại một gia đình mới, một hạnh phúc mới. Anh lại có sức mạnh để làm nghệ thuật như ngày nào.
Rồi anh rời khỏi Việt Nam đi Ba Lan, tôi cũng rời khỏi VN đi Mỹ, tưởng sẽ không bao giờ gặp nhau vì tôi chẳng thấy ai tổ chức show mời tôi đi hát ở Ba Lan. Vậy mà một ngày đẹp trời anh qua Mỹ. Gặp lại nhau mừng rỡ nhắc lại chuyện ngày xưa. Tôi còn nhớ như in, ngày tôi lái xe lên căn nhà xinh xắn nằm trên con đường dốc, nhà của Lynda Trang Ðài. Anh Lê Hoàng Hoa là bạn thân của Ba Lynda Trang Ðài nên chúng tôi có buổi họp mặt khoảng hơn chục người ở đó. Anh vẫn hoạt bát, tự tin. Luôn luôn nói về tương lai với đôi mắt linh hoạt. Năm ngoái, tôi diễn kịch Yêu, với đạo diễn Nguyễn Minh Phương, anh NMP nói: “Lê Hoàng Hoa sắp về Sàigòn thực hiện nhiều phim lắm”. Dĩ vãng hiện về, tôi nói khẽ: “Phải chi có em ở Sàigòn thì cùng làm phim, vui quá hả?”

Ðó là tôi nhớ chuyện ngày xưa, chứ biết bao giờ có chuyện ngày về? Vậy mà, như không thể tin vào tai mình, tin Anh mới mất làm tôi đứng sững. Lại một người bạn nghệ sĩ ra đi.. Ai trước sau gì cũng phải ra đi, nhưng tôi thấy những nghệ sĩ quen thuộc của thời trước 1975 cứ từ từ rụng bớt. Những nghệ sĩ đó như những chiếc lá của một cây cổ thụ hình tượng, của một nền nghệ thuật miền Nam Việt Nam, những chiếc lá xanh tươi, xum xuê, xào xạc trước gió trong 2 mùa Xuân và Hạ.. Và bây giờ mùa Thu đã đến rồi, những chiếc lá vàng dần để từ từ lìa khỏi thân cây.. Khi nào thì đến mùa Ðông..
Ðến cái lúc mà tất cả các lá đều đã rụng xuống mặt đất lạnh, để cho thân cây trơ trụi, để cho khán thính giả thở dài tiếc thương, ngậm ngùi cho những tài năng đi về lòng đất âm u, buồn tẻ..
Còn đâu ánh đèn màu? Còn đâu lớp lớp người chen chúc vui cười, tay bắt mặt mừng, quần áo bảnh bao? Xin vẫy tay chào anh, anh Lê Hoàng Hoa thân mến...
THANH LAN
(31/7/2012)
THƯƠNG HOÀI PHỤ TRÁCH