Tưởng nhớ Kép độc, mùi Thanh An (1934 – 13/08/2015)
Soạn Giả Nguyễn PhươngTôi bàng hoàng khi nghe bạn TIN báo cho biết nghệ sĩ kép độc mùi Thanh An đã ra người thiên cổ!
Nhìn đi, ngoảnh lại, sau năm 1975, các bạn già của tôi lần lượt ra đi … Hữu Phước, Hoàng Giang, Việt Hùng, Ngọc Nuôi, Dũng Thanh Lâm, Minh Điển, Văn Ngà, Ba Xây, Sơn Nam, các soạn giả Thanh Cao, Thành Phát, Thiếu Linh, Hà Triều – Hoa Phượng, Hoàng Việt, Hoàng Khâm, Thu An, Quy Sắc, Kiên Giang, các nhạc sĩ Út Trong, Ba Tý, Ba Thu, Vủy Chỗ, hề Chí Hiếu, Kim Quang, Tư Rọm, Bảy Xê, Như Mai, Kiều Lệ Thu, Hoài Trúc Mỹ….bây giờ lại đến kép độc mùi Thanh An… toàn là những nghệ sĩ tài danh, những người đã góp công làm nên một thời hoàng kim của nghệ thuật cải lương…
Nghệ sĩ Thanh An tên thật Liêu Hiếu Nghĩa, sanh năm 1934 tại chợ Giồng Luông, xã Đại Điền, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre. `Cha anh là người Hoa, từng là tay đờn cò chánh của đoàn hát Quảng ở ChợLớn. Khi đoàn hát Quảng đi hát ở Trà Vinh, về tỉnh Bến Tre được Hiệp Hội người Hoa mua dàn hát trong ba huyện Châu Thành, Mỏ Cày, Thạnh Phú, ba anh cưới vợ Việt Nam tại Bến Tre nên rời đoàn hát, về xã Đại Điền lập vườn, lên giồng trồng rau cải sinh sống. Anh Thanh An học đờn cò của cha, chơi đàn ca tài tử trong thôn xóm, theo thời gian, anh trở thành diễn viên ( kép mùi, kép độc mùi, kép lão )của các đoàn cải lương Phước Chung, Hương Mùa Thu, Kim Chưởng, Dạ Lý Hương, Sông Bé 1, Văn Công Đồng Tháp…
Năm 1954, đoàn Việt Kịch Năm Châu lưu diễn tỉnh Bến Tre, sau khi hát ở rạp Lạc Thành, đoàn lưu diễn qua các huyện Mỏ Cày, Ba Tri và điểm chót là xã Đại Điền, huyện Thạnh Phú. Đến xã Đại Điền, một thanh niên địa phương, tên Nghĩa( sau này có nghệ danh là Thanh An ) xin gia nhập đoàn hát. Ông Bầu Tám Kiết hỏi anh biết hát hò gì không?
Anh Nghĩa nói: Cháu biết đàn cò cổ nhạc nhưng phải rèn luyện tay nghề nhiều hơn thì mới đờn chung với dàn nhạc được. Tuy nhiên nhờ biết đờn nên cháu ca vọng cổ và các bài bản được nhưng mà cháu chưa biết hát…
Bầu Tám Kiết: Dàn cổ nhạc của đoàn Việt Kịch Năm Châu gồm toàn là nhạc sư, như nhạc sư Bảy Phải đờn kìm, Hai Phát đờn cò, Tư Huyện thổi sáo, Tư Hiệu đờn Violoncell, Sáu Quí đờn tranh, cậu không thể đờn chung với dàn nhạc đó. Nếu có giọng ca tốt mà chưa biết hát thì đoàn sẽ dạy hát, vậy cậu ca vài câu vọng cổ nghe thử coi…
Theo lịnh của ông Bầu Tám Kiết, nhạc sư Bảy Phải đàn kìm, nhạc sư Sáu Quí đàn tranh để thữ giọng ca của em Nghĩa. Các anh kép Tám Vân, Thanh Kỳ, Thanh Liêm, cô đào chánh Kim Lan, hai soạn giả Phạm Trần và Nguyễn Phương tới nghe ca. Đàn rao rĩ rã, em Nghiã hơi run nhưng rồi cố gắng nói: Cháu xin ca hai câu vọng cổ Phạm Lải biệt Tây Thi tuồng Tây Thi Gái Nước Việt… Dạ cháu coi hát, mê tuồng này nên ráng chép hai câu vọng cổ… (tiếng rao đờn ngưng, em Nghĩa cất cao giọng)
1/- Tây Thi ơi! Nước bạc ngược dòng trăng tà lộn bóng, nàng ra đi để cho tôi mang sầu hận đến …muôn…đời. Tôi sẽ vì ai vò võ một phương trời. Nàng hãy vào trong nghĩ an giấc điệp, vì ngoài này tuyết trắng lạnh lùng rơi. Trên chiếc thuyền rồng lướt sóng đêm nay, có kẻ nhìn trăng mà khe khẽ thở dài. Kiếp má hồng đến thế thì thôi, phí bỏ một đời để đền xong hận nước ...
2/- Tôi đã đến Trữ La Thôn một ngày nắng đẹp, để tìm một dung nhan sắc nước hương trời…Đâu biết ngày nay phải cách biệt nhau rồi…Nén tim đau đưa nàng lìa đất Việt, lệ anh hùng cố nén vẫn thầm rơi. Ngày mai này khi sang đến Ngô Bang, nàng ở lại còn tôi hồi cố quốc. Rồi đây thiên tình sử sẽ chép bằng nước mắt, mới tương phùng sao sớm vội lìa tan ? …
Em Nghĩa ca dứt, không khí im lặng một phút rồi tiếng vổ tay rộ lên. Em như người ngộp thở vừa lấy lại hơi thở. Cô Kim Lan nói: Hơi ca của em rất trầm ấm, lời ca rõ ràng, giọng ca thật là tình cảm, nếu được rèn luyện qua một vài tuồng, em có thể trở thàng một kép ca sáng giá.
Kép Tám Vân nói: Tôi đề nghị thu nhận em Nghĩa vào làm học viên của đoàn. Em Nghĩa có giọng ca trầm buồn, thiên về hơi lão. Nếu để cho phát triển tự nhiên thì tôi e em Nghĩa sẽ thành công trong vai lão mùi dễ hơn là kép mùi.
Ông Bầu Tám Kiết đồng ý thu nhận em Nghĩa vào đoàn và đặt cho em nghệ danh là Thanh An, vì trong đoàn hát đang có hai em ca vọng cổ tốt là Thanh Kỳ và Thanh Liêm, nay có thêm Thanh An. Tám Vân sẽ là sư phụ dạy cho Thanh An hát.
Thanh An học tuồng rất mau thuộc, ca đúng bài bản và trở thành chuyên viên thế tuồng cho những diễn viên bất ngờ không hát được vì bịnh hoặc vì rời đoàn.
Đoàn Việt Kịch Năm Châu không có tuồng mới, lối hát thiên về diễn xuất mà không chú ý phát triển và khai thác các giọng ca vọng cổ, trong khi đó các đoàn khác hát ăn khách nhờ vào giọng ca vọng cổ mùi mẩn của đào kép trẻ. Do quan niệm đó, đoàn Việt Kịch Năm Châu hát ế khách, các nghệ sĩ có điều kiện đi ký giao kèo với các đoàn hát khác nên bất ngờ bỏ đoàn đi, vì vậy nghệ sĩ Thanh An cứ phải thế các vai vắng mặt, tên tuổi của anh cũng không được đoàn hát quảng cáo nên ba danh ca vọng cổ của đoàn là Thanh Kỳ, Thanh Liêm và Thanh An không có cơ hội được khán giả yêu thích mặc dầu nhờ thế tuồng mà nghệ thuật diễn xuất của Thanh An tiến bộ vượt bực. Thanh Kỳ, Thanh Liêm và Thanh An bỏ đi gia nhập đoàn hát khác khi đoàn Việt Kich Năm Châu đổi thành bảng hiệu Phước Chung.
Bà Kim Chưởng, bà Bầu gánh hát Kim Chưởng ký contrat với Thanh An, mời anh về thủ vai lão mùi trong tuồng Thuyền ra cửa Biển của soạn giả Hoài Linh và Phong Anh. Nghệ sĩ Thanh An thành công trong vai lão mùi, anh được các ký giả kịch trường chú ý đến, viết nhiều bài báo giới thiệu, ngợi khen về phong cách và giọng ca đặc sắc của kép độc mùi Thanh An. Tiếp sau đó, Thanh An hát xuất sắc vai Người Gù trong tuồng Khi Rừng Mới Sang Thu của soạn giả Quy Sắc và Loan Thảo.
Ông Bầu Thu An đoàn Hương Mùa Thu đang thiếu một kép lão mùi, bèn ký contrat cao giá hơn đoàn Kim Chưởng để mời nghệ sĩ Thanh An về đoàn Hương MÙa Thu. Thanh An cũng hát thành công trong vai Tư Rỗ. lão mùi trong tuồng Tiếng Hát Một Giờ Khuya của soạn Giả Thu An.
Trên sân khấu Hương Mùa Thu, nghệ sĩ Thanh An học tuồng mau thuộc, sáng sân khấu, không tranh dành vai tuồng, anh biết đờn violon cổ nhạc lại là người sống dễ hòa đồng với các diễn viên khác, anh được soạn giả Thu An và Lê Trí nhờ anh tiếp tay giúp dạy cho các diễn viên trẻ hát, giống như vai trò đạo diễn của Tám Vân trong đoàn Thanh Minh Thanh Nga.
Tuy có được sự tin cẩn của hai bầu Thu An và Ngọc Hương, tiền lương và contrat của Thanh An khá cao, anh có cuộc sống sung túc, mua nhà ở quận Tân Bình nhưng Thanh An không sa vào các tệ đoan xã hội như hút xách, cờ bạc hay bê bối tình ái lăng nhăng. Nghệ sĩ Thanh An thường giúp đở các nghệ sĩ trẻ, sống hoà nhã và lễ phép với các nghệ sĩ đàn anh và soạn giả. Chưa có nghệ sĩ nào than phiền hay trách móc về cách cư xử của Thanh An đối với nghề nghiệp và các nghệ sĩ đồng nghiệp.
Thanh An là một tay đờn violon cổ nhạc rất hay, anh được đánh giá là tay đờn violon cổ nhạc hay tương đương với các danh cầm violon Hai Thơm, Tư Thưởng, Hai Long trong lúc đó. Thanh An thỉnh thoảnh đàn giúp cho dàn cổ nhạc của đoàn và thường xuyên đờn dạy cho các nghệ sĩ trẻ trong đoàn luyện giọng ca và ca những bài bản cổ nhạc mà chưa biết rành.
Do tánh hiền hòa và hay giúp nghệ sĩ đàn em, Thanh An được sự thương mến và kính trọng của các nghệ sĩ trong đoàn mà anh cộng tác. Năm 1972, Thanh Anh về cộng tác với đoàn Dạ Lý Hương bầu Xuân, có lúc thế vai Hùng Cường thu Tivi các tuồng ăn khách của đoàn, anh đóng cặp với nữ nghệ sĩ xuân sắc và tài danh Phượng Liên.
Sau năm 1975, vì Thanh An đi các đoàn hát tỉnh nên khi Sở Văn Hóa Thông Tin giải tán các đoàn hát tư nhơn để lập đoàn Văn Công và các đoàn hát cải lương tập thể, anh không được Sở VHTT cho hát ở đoàn nào cả. Một thời gian anh chịu thất nghiệp, sau đó đi hát chui cho các đoàn hát ở tỉnh đến năm 1985, anh về cộng tác với đoàn Sông Bé - Dạ Lý Hương ở tỉnh Bình Dương ( tỉnh Thủ Dầu Một cũ ).
Từ năm 1990 đến năm 2000, Thanh An gia nhập đoàn hát Văn Công Đồng Tháp của tỉnh Đồng THáp, nghệ sĩ Thanh Tùng làm trưởng đoàn. Thanh An đã hát qua các tuồng Nước Mắt Người Tình, Lối Mòn nghiệt ngã, tuồng Sóng cuộn giữa đời thường của hai soạn giả Thanh Huyền và Thanh Nhân.
Nghệ sĩ Thanh An đã giúp rất nhiều cho Trưởng Đoàn, đạo diễn và soạn giả khi đoàn tập tuồng mới và trong việc đào tạo các diễn viên mới nhưng trong chế độ XHCN, những người được khen và nhắc nhở tới phải là đảng viên hoặc đoàn viên TN CS, hai lão nghệ sĩ Thanh An và Hoàng Bé chỉ được nhắc tên sau rốt giữa các nghệ sĩ học trò của anh.

Nghệ sĩ đoàn Văn Công Đồng Tháp có: các nghệ sĩ Vũ Hoài Sơn, Như Loan, Trọng Vương, Giang Thanh Hương, Lê Nam, Hải Yến, Thanh Hùng, Vĩnh Thanh, Ngọc Hùng, Thanh Thuỷ Tiên, Thanh An, Hoàng Bé.
Sau năm 2000, nghệ sĩ Thanh An nghĩ hát, về Tân Bình sống với con cháu. Mỗi lần ngày rằm, trăng tròn, anh đến Hội Dưỡng Lão Nghệ Sĩ ở Quận 8 thăm các bạn già, ở dự Đêm Rằm Ca Vọng Cổ với các bạn để gợi nhớ một thời vàng son sân khấu đã qua. Năm 2000, vợ chồng tôi về thăm quê hương, gặp lại Thanh An, chúng tôi ngồi tâm tình nhắc cho nhau nhớ kỷ niệm thời cùng cộng tác ở đoàn Dạ Lý Hương Bầu Xuân và thời kỳ Thanh An mới gia nhập làng hia mão ở xã ĐẠi Điền Thạnh Phú - Bến Tre.
Thanh An là một nghệ sĩ trọn đời sống vì nghệ thuật sân khấu. Anh cũng thuộc về mẫu các nghệ sĩ xưa, chỉ biết hát, bạn đồng nghiệp và lúc nào cũng theo Tổ nghề, Tôn Sư Trọng Đạo.
Nghe soạn giả Đức Hiền nói: Anh gặp Thanh An một tháng trước ngày mất, Thanh An nói đến Viện Dưỡng Lão nghệ sĩ, để thắp nhang và vái lạy Tổ nghiệp vì anh bịnh nặng, sợ sẽ mất nay mai. Nghệ sĩ Thanh An bị bịnh suy thận, tim mạch và viêm phổi. Trước đó hai tháng, Thanh An đã nhập viện cứu cấp tại bịnh viện BS Phạm Ngọc Thạch nhưng vì không thể ghép thận do chi phí quá cao nên anh xin xuất viện về nhà.
Nghệ sĩ Thanh An mất lúc 14 giờ 40, ngày 13 tháng 8 năm 2015. Hưởng thọ 82 tuổi.
Linh cữu được quàn tại nhà riêng số 25/12/7 Đường Hồ Văn Long, Phường Tân Tạo, Quận Bình Tân, TPHCM. Tang lễ bắt đầu lúc 6:00 am ngày thứ hai 17 – 8 -2015. lễ di quan được cữ hành cùng ngày, hoả táng nơi Bình Hưng Hòa.
Ỡ phương trời Canada cách biệt hơn hai mươi ngàn cây số, thương nhớ người bạn nghệ sĩ hiền lành, vui tánh Thanh An, Nguyễn Phương xin thắp nhang tưởng niệm người em nghệ sĩ đã về với Tổ nghiệp, nguyện xin hương hồn nghệ sĩ Thanh An sớm tiêu diêu nơi miền Cực Lạc và chân thành chia buồn cùng gia đình tang quyến.
Soạn giả Nguyễn Phương.