
Hẳn những ai ở đất Nam bộ, có máu cải lương chí ít cũng từng nghe đôi lần "Tiếng hò sông Hậu", hay "Khách sạn Hào Hoa"... Còn đối với giới nghệ sĩ sân khấu cải lương thì họ gọi cái tên Điêu Huyền bằng sự kính trọng. Ông không chỉ là tác giả của nhiều vở tuồng nổi tiếng... mà những tên tuổi trong làng cải lương như Thanh Nga, Hoàng Giang, Diệp Lang, Mỹ Châu, Giang Châu, Thanh Tuấn… đều gắn liền với những vai diễn xuất thần trong các vở tuồng của ông.
Ông sinh năm 1913 tại xã Nhơn Ái, huyện Châu Thành, nay là xã Nhơn Nghĩa, huyện Châu Thành A, Cần Thơ. Soạn giả Điêu Huyền, tên thật là Phạm Văn Điều, con thứ chín trong một gia đình đông anh em. Ông đã tạo nên "Tiếng hò sông Hậu" đầm ấm, nhưng cũng hào hùng khí phách Nam bộ. Những câu hát đối đáp trong "Tiếng hò sông Hậu" gắn liền với trai làng, gái quê trên đồng ruộng là hình ảnh lung linh của Nam bộ:
"...Thấy em gái Ba Xuyên ngồ ngộ
Muốn cùng ai thổ lộ đôi lời…
Chứ cấy cày cực lắm em ơi
Hãy theo anh về vườn ăn trái… ơ hò ơ"
Giới nghệ sĩ gọi ông là soạn giả bình dân. Đạo diễn sân khấu, NSND Huỳnh Nga, tâm sự: “Điêu Huyền là một tác giả tâm huyết với sân khấu và diễn viên, luôn tạo cho diễn viên mảnh đất tốt để diễn”.
Tư tưởng yêu nước trong các vở tuồng của ông là kết tinh từ truyền thống gia đình: tham gia cách mạng từ những năm 40, nên ông đã sớm tiếp thu tư tưởng yêu nước, tiến bộ. Từ khi còn là học sinh trường trung học Cần Thơ, ông đã yêu thích nghệ thuật cải lương. Một trong những người con của Điêu Huyền – ông Phạm Văn Khả - nhớ lại: “Trong kháng chiến chống Pháp cha tôi sáng tác được 3 vở: Thiếu nhi thời loạn, Mười năm gian khổ, Chim Việt cành Nam. Sự nghiệp sáng tác của ông chín mùi từ năm 1954 đến 1983 (năm ông mất). Giai đoạn này, ông đã cho ra đời gần 20 vở tuồng. Trong đó có vở ông sáng tác một mình, có vở sáng tác chung với đồng nghiệp. Qua những tác phẩm này cũng như qua cách sống, cách làm việc của ông bật lên một tinh thần cần cù, lao động nghệ thuật”.
Soạn giả Điêu Huyền còn là người anh, người cha nuôi đã có công dẫn dắt, rèn luyện nhiều nghệ sĩ trở thành tên tuổi trong lĩnh vực sân khấu cải lương sau này. Nhân cách của ông còn là một gương sáng để giới nghệ sĩ noi theo. NSND Diệp Lang nói: “Ông dạy tôi rất nhiều điều về chữ Đức và sự khiêm tốn”. Nhắc đến cha nuôi, NSƯT Bạch Tuyết tâm sự mộc mạc: “Ba dạy cái giọng văn cải lương cặn kẽ trong từng bài, đoạn. Ba Điêu Huyền không chỉ là người dạy dỗ tôi vào nghề mà tôi còn ảnh hưởng ở ba cách viết tuồng, cấu trúc, lời văn… để vở tuồng đi vào lòng người với những nhân vật sinh động”.
Ra đi ở tuổi thất thập cổ lai hi, soạn giả Điêu Huyền để lại cho đời những vở tuồng mà qua năm tháng chẳng phai nhạt trong lòng công chúng mộ điệu sân khấu cải lương. Người thân, bạn bè đồng nghiệp thương tiếc ông - người soạn giả tài hoa, cha đẻ của Tiếng hò sông Hậu, Khách sạn Hào Hoa, Tìm lại cuộc đời, Ánh lửa rừng khuya…
(Theo SGGP)