WELCOME TO THE NEW PHORUM
THE ONLY FORUM FOR CLVN LOVERS
Diễn đàn dang được nâng cấp . Thân mời các bạn TV vào xem và sử dụng.
Hãy click vào Quick links phía bên trên tay trái để bắt đầu
Nếu thấy có gì xin báo cho tcgd biết để sửa chữa cho kịp thời nhen các bạn.
Cám ơn các bạn
Bye Bye .....
MC DUC TIEN
Nghệ sĩ lão thành Lệ Thẩm qua đời
[7mau]Nghệ sĩ lão thành Lệ Thẩm qua đời[/7mau]
Nhớ mãi tiếng cười nghệ sĩ Tùng Lâm
[7mau]Nhớ mãi tiếng cười nghệ sĩ Tùng Lâm[/7mau] Sau thời gian chống chọi với nhiều căn bệnh, nghệ sĩ Tùng Lâm đã trút hơi thở cuối cùng lúc 4 giờ 30 phút ngày 15-10 tại nhà riêng. Ông tên thật...
CHẾT VẪN KHÔNG YÊN!
-Mỗi con sông chảy mỗi cánh khác của riêng mình Tôi là dòng nước đảo điên Quen vượt thác vượt ghềnh Không thể im lìm trôi xuôi - Sông chảy về đâu buồn hay tĩnh lặng Ra đại dương...
TIN BUỒN: NS Bích Thủy qua đời,ở tuoi 73
[video]http://www.youtube.com/watch?v=liDAflX1_IQ[/video] [youtube]https://www.youtube.com/watch?v=liDAflX1_IQ[/youtube]
VUA NHẠC SẾN ĐI RỒI....
Nhạc sĩ Vinh Sử thường được khán giả gọi là 'vua nhạc sến' bởi hàng trăm ca khúc đã trở nên quen thuộc với nhiều thế hệ người Việt. Sau khi ông qua đời, nhiều nghệ sĩ bày tỏ sự tiếc...
TRẢ LẠI TÊN CHÙA.
Hội Sân khấu trả lại bảng tên Chùa Nghệ sĩ. Ngày 20/06/2022. Hội Sân khấu trả lại tên Chùa Nghệ sĩ như ban đầu, sau hai ngày thay đổi bằng bảng "Nghĩa trang nghệ sĩ". Chiều 20/6,...
Buồn Nhất khi Nghệ sĩ Thanh Kim Huệ qua đời
Khộng theo dõi tin tức ở đây nhưng qua nhiều kênh thông tin khác, được biết nữ nghệ sĩ tài danh Thanh Kim Huệ qua đời, buồn ơi là buốn, buồn hơn hết, không phải thương ai ghét ai mà sao nghe buồn...
Phan ưu cuoi nam
MH đã gởi điện thơ chúc năm mới 2022 anh chị Trần quang Hải nhưng không nghỉ là anh đã ra đi ngày hôm nay mặc dù anh đã cầm cự với căn bệnh hiểm nghèo mấy năm nay rồi. Thôi ,như vậy anh nhẹ...
Nữ danh ca
Thanh Kim Huệ đã ra đi :hoa: :flower: :)) :cry:
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10

LÊ VŨ CẦU & NHỮNG BÀI VIẾT VỀ CUỘC ĐỜI!....

Nơi tưởng nhớ những NS đã quá cố.
Nội quy chuyên mục
THÀNH VIÊN CLVN CHÚ Ý !

1- Bài viết phải luôn luôn bỏ dấu cho dễ đọc, viết không dấu sẽ bị xóa. Xem chỉ dẫn cách bỏ dấu taị đây.
2- Không đưa nguyên link từ các nơi khác vào - Không viết toàn chữ hoa hoặc liên tục không chấm phết.
3- Ghi rõ nguồn các bài được đưa lên là bắt buộc - Tránh những lời lẽ quá khích.
4- Mỗi thành viên chỉ được dùng một nick - Không nên đưa nhiều bài lắt nhắt liên tiếp từ cùng một thành viên.
5- Đừng dùng quote (trích dẫn) để trả lời khi 2 bài liên tiếp nhau - Tránh quote nhiều lần cùng một hình ảnh.
6- Không dùng màu đỏ trừ phi đó là tựa đề của một bài mới - Nên tạo chữ ký đẹp, cân đối, dễ nhìn.
7- Thắc mắc về bài bị xoá post trên diễn đàn đều cũng sẽ bị xoá. Trực tiếp liên lạc với Ban Điều Hành nếu cần.
8- Mọi thành viên đều cùng một nhà CLVN nên việc cư xữ hoà nhã với nhau là cần thiết dù ý kiến có dị biệt.
Đăng trả lời
LisaRoanoke
Thành viên thực thụ
Thành viên thực thụ
Bài viết: 498
Ngày tham gia: Tư T5 14, 2008 6:20 pm
Tiếp xúc:

LÊ VŨ CẦU & NHỮNG BÀI VIẾT VỀ CUỘC ĐỜI!....

Bài viết chưa xem by LisaRoanoke »

Lê Vũ Cầu: 'Nếu không có sân khấu, tôi sẽ là kẻ vứt đi'

Hình ảnh Hình ảnh Hình ảnh Hình ảnh
Không được học hành, mồ côi từ năm lên 9, Lê Vũ Cầu phải đi đánh giày, làm thuê. Có lần, nghe bạn bè rủ rê, anh dính vào "nàng tiên nâu". Thế nhưng nhờ ý chí và được các cô chú trong đoàn cải lương Minh Cảnh giúp đỡ, anh đã không trở thành kẻ bỏ đi như nhiều người nghĩ.

Để từ bỏ nàng tiên nâu, Lê Vũ Cầu đã phải trải qua những cơn đau đớn khủng khiếp khi đói thuốc. Thể xác anh oằn oại như có hàng nghìn con sâu bọ rỉa vào tận da thịt. Nhưng rồi anh đã chiến thắng được bản thân mình. Anh tự nhủ: "Mình không còn cha mẹ, nếu sa chân vào sâu hơn nữa con đường ma quỷ này thì càng nguy hiểm, lỡ mệnh hệ thì biết kêu ai?".

Thế là từ một đứa trẻ chuyên bị sai vặt sau hậu đài, nhờ nỗ lực phấn đấu, Lê Vũ Cầu đã trở thành diễn viên đứng trên sàn diễn. Không được đào tạo chính quy như các đồng nghiệp, nhưng bù lại, gần 5 thập kỷ lăn lộn ở trường đời, anh có được vốn sống khá phong phú để mang vào nghề diễn. Anh nói: "Sân khấu đã mở rộng tấm màn nhung cho tôi được đổi đời. Tôi cũng may mắn được những người đi trước dạy bảo và thấm thía những điều hay trong chính những kịch bản mà tôi tham gia diễn. Nếu không có sân khấu thì tôi là kẻ vứt đi rồi".

Năng khiếu nghệ thuật bẩm sinh cộng với ý chí rèn luyện đã giúp Lê Vũ Cầu trở thành nghệ sĩ thực thụ. Mỗi nhân vật anh diễn đều mang một số phận, tính cách khác nhau. Với những vai chính kịch, anh nghiêm túc khai thác tận cùng tâm trạng nhân vật để tạo nên sức truyền cảm cho người xem. Anh diễn khá chân thực và không quá lạm dụng kỹ thuật.

Tuy nhiên, sau mỗi lần đóng phim, mỗi đêm diễn tặng cho khán giả những trận cười nghiêng ngả, lúc về nhà, ngả lưng xuống giường, anh lại cảm nhận sâu sắc sự cô độc của chính mình. Thời gian gần đây, anh buồn lo nhiều hơn. Đầu tháng 3 năm nay, khi đang dựng vở Con gái ngài giám đốc cho sân khấu 5B Võ Văn Tần, anh đột ngột ngã bệnh, phải nằm cấp cứu ở bệnh viện Bình Dân cả tháng trời. Trước đó, năm 2002, vì bệnh gan mà anh đã suýt phải từ giã cuộc đời.

Đạo diễn Thế Ngữ nói về Lê Vũ Cầu: "Các vai kịch, phim của Vũ Cầu đều tạo cho khán giả lòng tin với cuộc đời. Có lẽ bởi những nỗi truân chuyên đeo đẳng, buồn nhiều, vui ít nên anh đã đem cả nước mắt trong đời thường vào sân khấu. Vị chát của cuộc sống, của thân phận con người đã khiến anh tạo ra tiếng cười mang đậm màu sắc riêng của nghệ thuật sân khấu".

(Theo Thế Giới Nghệ Sĩ)

'Sụp đổ' - cuộc chơi táo bạo của nghệ sĩ Lê Vũ Cầu.

Sau vở 'Con gái ngài giám đốc', anh lại chuẩn bị đạo diễn 'Sụp đổ', được đầu tư khoảng một tỷ đồng. Anh thổ lộ, đây là vở 'chia tay' làng sân khấu sau một cuộc chơi kéo dài gần 20 năm.

- Điều gì khiến anh lao vào một kịch bản tầm cỡ, quy mô như vậy?

- Đúng là tôi muốn lao vào một cuộc chơi mới, dù là cuộc chơi cuối cùng của sân khấu, vì quả thật tôi đã ngán ngẩm cái cảnh đưa ra một kịch bản kèm theo mấy chục triệu đồng gói gọn, cứ quanh đi quẩn lại trong cái hộp sân khấu vuông vuông. Rất thèm làm một cái gì đó cho đã tay. Tình cờ gặp kịch bản Sụp đổ của ông Dương Linh, tôi chợt nghĩ ra những ý tưởng dàn dựng là lạ, bèn đẩy tới luôn. Sau này chúng tôi sẽ đổi tựa đề cho mềm mại hơn.

- Anh nghĩ sao khi đề tài truyền thống cách mạng sẽ khó hấp dẫn người xem hiện nay?

- Kịch bản này lấy bối cảnh trải dài từ lúc Mỹ đem tàu chiến vào Đà Nẵng năm 1963 cho đến ngày giải phóng miền Nam 30/4, trong đó có rất nhiều cuộc đấu tranh của các chiến sĩ cách mạng như Võ Thị Sáu, Nguyễn Văn Trỗi. Tôi nghĩ đề tài cách mạng không có gì đáng sợ, nếu mình làm cho hấp dẫn.

Sẽ có 2 trực thăng và 2 xe tăng hiện diện trên sân khấu và ngoài sân. Có cảnh đốt cháy xe tăng. Có cảnh đồng ruộng với người dân hiền lành đang trồng trọt, bất ngờ một chiếc máy bay với hàng trăm lính đổ bộ chụp xuống đè nát tất cả, nghĩa là thiết kế sàn diễn trên máy bay luôn. Nhà nước cho mượn xe tăng, máy bay và góp thêm lực lượng gồm 200 bộ đội tham diễn. Diễn viên chính hơn 10 người, cộng với vai phụ và vai quần chúng khoảng 100 người.

- Kinh phí lớn như thế anh lấy từ nguồn nào?

- Tôi đã trình lên Ban khoa giáo Trung ương, được hoan nghênh và tài trợ 300 triệu đồng. Số còn lại tôi sẽ vận động các ban ngành khác. Giá vé sẽ vừa phải, để nhiều người được thưởng thức.

(Theo Thanh Niên)

Nghệ sĩ Lê Vũ Cầu và niềm say mê làm kinh doanh

Hình ảnh Hình ảnh Hình ảnh Hình ảnh Hình ảnh

Ngoài vai trò diễn viên hài của nhiều sân khấu lớn ở TP HCM, anh còn là ông chủ của quán "Gà vườn vợ thằng Đậu", chuyên kinh doanh các món gà. Lê Vũ Cầu tâm sự, tính anh vốn nghệ sĩ nên chưa bao giờ dám nghĩ mình sẽ làm kinh doanh nhưng khi bắt đầu làm lại thấy có thêm niềm đam mê ngoài nghệ thuật.

- Duyên cớ nào đưa anh đến với nghề tay trái?

- Cách đây 5 năm, tôi có thuê căn nhà ở Thủ Đức để ở. Tính tôi thích rộng rãi, thoáng mát, có cây xanh và thiên nhiên nên thuê căn nhà diện tích rộng. Nhiều bạn tới chơi khuyến khích tôi mở quán vì thấy địa thế khá thuận lời. Lúc đó tôi cũng thấy thích nhưng chưa biết sẽ mở quán gì, sau khi được nhiều người cố vấn, tôi quyết định mở quán gà và nhờ trời, công việc làm ăn rất trôi chảy. Có một nghề tay trái sẽ đảm bảo cho cuộc sống của tôi sau này từ giã sân khấu, có nơi dưỡng già để gặp gỡ bạn bè và khán giả thân thương.

- Anh nghĩ sao khi có ý kiến cho rằng một nghệ sĩ kinh doanh sẽ được khách hàng ủng hộ hơn?

- Tôi không phủ nhận điều này nhưng nếu chỉ dựa vào tiếng tăm của mình thì chưa đủ. Muốn thu hút khách trước tiên vẫn phải là chất lượng. Tôi luôn lấy chữ tín lên hàng đầu.

- Tại sao thời gian qua anh ít xuất hiện trên sân khấu?

- Tôi vừa trải qua cơn bệnh nặng nên chưa muốn nhận một vai kịch dài. Bên cạnh đó, năm nay là năm tuổi của tôi nên chưa có dự tính nhiều, sợ nói trước bước không qua.

- Trong vai trò đạo diễn, sắp tới anh có dự tính gì?

- Sau thành công của vở Con gái ngài giám đốc, tôi vừa dàn dựng xong vở Chuyện lạ cho sân khấu kịch 5B Võ Văn Tần, đây là vở diễn tôi đặt rất nhiều hy vọng bởi đề tài rất hay. Ngoài ra, tôi vẫn nuôi ý định dàn dựng kịch bản Sụp đổ, nói về việc chứng kiến một gia đình khi Sài Gòn vừa giải phóng, sẽ có máy bay trên sân khấu nên kinh phí phải đầu tư hàng tỷ đồng. Hiện nay tôi mới chỉ dành dụm được 1/4 số tiền.

- Hết sân khấu lại đến kinh doanh, anh dành thời gian đâu cho chuyện riêng?

- Tôi vẫn chưa có kế hoạch cụ thể cho việc lập gia đình. Tuy nhiên, tôi vẫn muốn sức khỏe của mình ổn định rồi mới tính.

(Theo Thế Giới Nghệ Sĩ)

Lê Vũ Cầu từ giã sân khấu vì bạo bệnh.

Khi Lê Vũ Cầu được đưa vào cấp cứu ở Bệnh viện An Bình (TP HCM), Phước Sang đã mua sẵn quan tài, đạo diễn Thế Ngữ cũng được cắt đặt vào Ban tang lễ, mọi người đã xin cho anh được quản ở Nhà tang lễ Thành phố. Ngay bác sĩ chuyên khoa cũng không tin là anh sẽ sống. Vậy mà anh vẫn sống...

Hình ảnh Hình ảnh
(Lê Vũ Cầu (trái) và đạo diễn Hùng Lâm).

Lê Vũ Cầu nhớ lại cơn hôn mê kéo dài hơn 3 ngày lúc anh vào nhập viện tháng trước. Chỉ đến khi bác sĩ làm phương pháp thông tiểu thì cơn đau xé của thể xác mới khiến anh tỉnh giấc. Ngay cả khi anh đã tỉnh, bác sĩ vẫn chích thuốc chống ngủ cho anh, bởi nếu chìm vào giấc ngủ thì cơn hôn mê sẽ lại tìm đến và đưa anh về thế giới bên kia. Chợt tỉnh, nằm không quần áo trên người, Lê Vũ Cầu thấy bạn bè, người thân tề tựu xung quanh giường bệnh để được bên anh lần cuối. Cả 5 chị em mồ côi lưu lạc của gia đình anh chưa một lần họp mặt đầy đủ cũng đã về.

Đạo diễn Thế Ngữ, người anh - người bạn thân thiết nhất luôn túc trực bên anh cho biết, căn bệnh xơ gan cổ trướng đã khiến anh nhiều lần tưởng chết, nhưng đây là lần nặng nhất, vô vọng nhất. Bệnh viện An Bình có 18 giường cấp cứu thì Lê Vũ Cầu nằm ở giường số 1, "gần" nhà vĩnh biệt nhất. Mọi người còn nghĩ, nếu cảm thấy anh quá đau đớn thì nên rút ống thở oxy để giải thoát cho anh. Nhưng Lê Vũ Cầu nói: "Tôi vẫn còn muốn sống. Cuộc sống này vẫn còn nhiều thứ thú vị lắm".

Nhưng bây giờ thì Lê Vũ Cầu lại muốn đi xa. Anh cho biết sẽ vắng bóng một năm, đến một nơi không ai biết Lê Vũ Cầu là ai để tĩnh tâm dưỡng bệnh, để làm những gì mà anh muốn làm trong phần cuối cuộc đời. Thêm một lần bước qua lằn ranh mong manh giữa sự sống và cái chết của một người bệnh, lại sắp "mai danh ẩn tích" nên Lê Vũ Cầu có quá nhiều điều muốn nói. Nhưng anh đâu thể nói hết. Anh chỉ biết nghẹn ngào cám ơn. "Tôi đã nhiều lần tìm đủ cách để được giải thoát… Có lúc tôi buộc dây thắt cổ ở đầu giường rồi lăn xuống cho chết mà vẫn không chết. Nhưng bây giờ tôi nghĩ chết thì cũng dễ lắm, nên tôi phải sống, sống vì những người đã yêu thương tôi".

Sẽ sống vì những người yêu thương anh, nhưng anh cũng phải chia tay một thứ mà anh quá thương yêu: sân khấu. Lần này Lê Vũ Cầu chính thức nói lời chia tay sân khấu. "Buồn lắm! Đau lắm chứ... Nhưng thôi, hãy cho mọi thứ qua đi...". Được chuyển từ Bệnh viện An Bình về nằm điều trị ở Viện Y dược học dân tộc, cách sân khấu Phú Nhuận có mấy bước, nhưng Lê Vũ Cầu không còn bước vào đây xem kịch nữa. Anh sợ có những thứ trong tâm hồn anh sẽ bị đánh thức. Mới đây thôi anh còn dựng vở Chuyện lạ cho Nhà hát Sân khấu nhỏ. Rồi anh tiết lộ là sẽ làm một vở kịch cách mạng thật hoành tráng nữa. Thậm chí trong những ngày điều trị, nửa đêm anh vẫn gọi đạo diễn Thế Ngữ để bàn những ý tưởng sắp tới. Khi nói tiếng giã từ cũng là lúc anh cảm thấy mình quá mệt mỏi. Sân khấu như một mối tình đam mê mà giờ đây anh không còn đủ sức đeo đuổi, không còn đủ sức chống lại sự cám dỗ của nó, nên anh phải chạy trốn.

Lê Vũ Cầu lúc này hay nằm, ít đi, có đi cũng chỉ khoảng 100 mét là mệt vì ảnh hưởng đến tim. Anh từ chối chụp hình vì không muốn công chúng nhìn thấy bộ dạng của mình trong những ngày bệnh tật. Đêm đêm, anh phải mượn tiếng chuông, tiếng mõ tụng kinh để dỗ dành mình vào giấc ngủ vốn nhiều cơn mộng mị khác thường của người vừa thoát khỏi tay thần chết.

(Theo Thanh Niên)

Lê Vũ Cầu - gã giang hồ lương thiện

Một ngày cuối năm 1963, chiếc máy bay bị trúng đạn bay vòng vèo qua thị xã Cà Mau, bất thần nó lủi vào một ngôi nhà bên bờ sông, cạnh cầu sắt Phán Tề làm hai vợ chồng người chủ nhà bị vùi trong đất, bỏ lại 6 đứa trẻ mồ côi, trong đó có Lê Vũ Cầu vừa lên 8 tuổi.

Nhà cửa không còn, cha mẹ không còn, chị em Cầu được bà con thân tộc chia nhau mỗi người nuôi một đứa. Cầu theo bà nội về Tây Ninh được một năm thì bỏ nhà đi bụi. "Ở nhà nội, mình hay bị mấy ông anh con của người bác ăn hiếp, vừa tủi thân, vừa tức giận. Một hôm giành nhau trái vú sữa sau vườn, không nhịn nữa mình thoi vào mặt ông anh, chảy máu mũi. Hoảng quá, nghĩ mình phận mồ côi, người ta có cha có mẹ, về nhà chắc chắn sẽ bị ăn đòn, rồi sẽ bị mấy anh hành hạ dài dài, càng nghĩ mình càng sợ không dám về nhà", anh kể lại.

Lê Vũ Cầu nhảy lên xe đò đi Sài Gòn, lang thang mấy ngày ở bến xe Pétrus Ký. Một hôm, anh xin làm lơ cơm cho chiếc xe đò chạy tuyến miền Trung mà chẳng biết điểm dừng của nó ở đâu. Cầu ngơ ngác trước những làng mạc, đồng quê, núi đồi, đèo cao và biển cả. Anh cũng chẳng hiểu sao mình lại chọn thành phố Quy Nhơn làm điểm dừng chân để bắt đầu một kiếp sống bụi đời. Quê hương, nhà cửa, người thân, chén cơm, manh áo và những câu hỏi về cuộc mưu sinh với cậu bé 8 tuổi như Cầu chỉ là những khái niệm rất mơ hồ. Chẳng bao lâu, Cầu nổi danh là Cầu "Sài Gòn" trong những băng nhóm trẻ lang thang ở thành phố Quy Nhơn. Từ ăn xin, đánh giày đến chôm chỉa, cướp giật ở nhà ga xe lửa, đánh Mỹ để bảo kê cho gái giang hồ... chuyện gì cũng làm được nếu nó mang lại miếng cơm.

Cuộc sống trở nên sang trọng hơn khi Cầu phát hiện kho hàng của căn cứ Mỹ. Ban đêm, 7 đứa trẻ, mỗi đứa một cây kìm cắt hàng rào kẽm gai mò vào kho, gặp cái gì vác ra cái nấy, có khi là bơ sữa, thịt hộp... có khi là cả một thùng lựu đạn hay súng Colt 45. Ăn quen bắt bén, một đêm nọ vừa qua lớp hàng rào thứ ba thì bị lính canh phát hiện, đèn pha sáng một vùng trời, đạn bắn xối xả như mưa. Cầu chạy bán mạng xuống bờ sông, chui vào chiếc tàu cá. Sáng ra thấy chỗ hiện trường người ta bu đông nghẹt. Cầu lọ mọ đến xem. Một thảm cảnh kinh hoàng: 6 đứa bạn của anh bị bắn chết đêm qua nằm xếp hàng trên vũng máu, ngực mỗi người mang hai chữ VC (Việt cộng).

Cú sốc về cái chết của sáu người bạn đã làm cho Lê Vũ Cầu trở nên bấn loạn, khi thì âm thầm lặng lẽ với công việc đánh giày, lúc lại nổi cơn điên lao vào dao búa. Hồi ấy, những đứa trẻ đánh giày ở Quy Nhơn đều phải chịu sự chăn dắt và quản lý của một tên trùm anh chị gọi là đại ca, nghĩa là chiều về phải nộp hết tiền cho đại ca mới được hành nghề. Hôm nào nộp ít thì bị nghi ngờ là gian lận, giấu tiền, bị hạch sách, bị chửi mắng, thậm chí bị ăn đòn. Buổi sáng hôm nọ, vì không kiềm chế được, Cầu ném nguyên cái hộp đồ nghề bằng gỗ vào mặt hắn, máu tuôn xối xả. Từ hôm ấy, đại ca biến mất, trả lại tự do cho nhóm trẻ đánh giày ở Quy Nhơn.

Rồi có một đêm nọ đoàn cải lương Minh Cảnh ra hát ở Quy Nhơn, Lê Vũ Cầu cảm thấy lòng dạ bồi hồi khi nghe câu vọng cổ, cảm thấy lạc lõng, chơi vơi nơi đất khách quê người. Và, dường như điệu đàn vọng cổ đã làm cho anh chạnh lòng khao khát một quê hương dù quê hương trong anh không có một hình ảnh rõ ràng, không một địa danh nào cụ thể. Chỉ biết một cách mơ hồ rằng nơi đó có những dòng sông, những bến nước xuồng ghe dập dìu tấp nập, những cánh đồng xanh biếc, những buổi chiều quê ngân nga tiếng vọng cổ u buồn.

Được nhận vào đoàn cải lương Minh Cảnh để làm nhân viên hậu đài và soát vé, Lê Vũ Cầu cảm thấy quá khủng khiếp khi nhìn lại 5 năm sống ở Quy Nhơn. Anh cũng chẳng hiểu sao mình đến đó, chẳng ai ép, cũng chẳng ai mời, cứ như từ trên trời rớt xuống để rồi cho và nhận từ mảnh đất này trăm thứ đắng cay.

Cứ nghĩ, đi theo đoàn hát cho thoả mãn kiếp giang hồ. Từ đoàn Minh Cảnh sang Mây Tần, Hương Mùa Thu, Kim Chưởng, Phước Chung, Bông Hồng, Cửu Long Giang... đi lưu diễn khắp miền Trung đến miền Tây. Từ một nhân viên hậu đài, soát vé, kéo micro, kéo màn, đấm bóp cho kép chính rồi được đóng vai quân sĩ câm, quân sĩ cấp báo, dần dần lên vai phụ, kép độc rồi kép chính. Từ cải lương sang kịch nói, Lê Vũ Cầu chẳng bao giờ hy vọng mình trở thành một nghệ sĩ nổi danh. Ngay cả bây giờ cũng thế, chưa bao giờ anh tự cho mình là một danh hài. Kiếp giang hồ đã tạo cho anh thành kẻ khinh tài trọng nghĩa, sống hết mình, sống bản năng và hoang dã. Trường học lớn nhất của Lê Vũ Cầu là sân khấu, là chuyện nhân tình thế thái trên sàn diễn. Những nhân vật giang hồ hảo hớn sống bất cần đời trong những vở tuồng kiếm hiệp đã tạo thêm chất hoang dã trong con người đã trót giang hồ từ tấm bé của Lê Vũ Cầu. Sân khấu đã biến anh thành kẻ giang hồ lương thiện, nếu không, chẳng biết cuộc đời sẽ đưa anh vào ngã rẽ nào.

Khi hài kịch bắt đầu lên ngôi thì diễn viên hài cũng bắt đầu có của ăn của để, nhưng Lê Vũ Cầu dường như không có khái niệm tích luỹ, hễ có tiền là anh đi tìm bạn để nhậu đến đồng bạc cuối cùng. Anh nói cuộc đời mình đã nhận nhiều hơn cho thì hà tất gì phải tích luỹ, đồng tiền để trong túi chỉ làm anh day dứt.

Lê Vũ Cầu mở quán Vợ Thằng Đậu để làm một chốn đi về, làm nơi hội ngộ những bạn bè thân hữu, để những đứa cháu ở thôn quê có công việc làm ăn. Nhưng không ngờ cái thương hiệu Lê Vũ Cầu với chùm hài kịch Vợ thằng Đậu đã làm nên thương hiệu quán. Có đất đai mênh mông, có tiền dư dả, Lê Vũ Cầu nghĩ đến một cuộc chơi: Miếng đất hơn một mẫu ở ngã ba Vũng Tàu, anh sẽ cắt ra chia cho những bạn bè chí cốt mỗi đứa một cái nền rộng chừng vài trăm mét vuông để xây dựng nhà vườn, gom lại dăm bảy thằng thành một khu nhà nghệ sĩ, cuộc đời như thế là quá đủ, anh chẳng cần gì ngoài tình nghĩa bạn bè. Lê Vũ Cầu lặn lội ra Quảng Nam tìm mua nhà cổ để chuẩn bị cho một cuộc chơi thì đùng một cái anh nghe cơ thể mình đau đớn với những triệu chứng khác thường.

"Khi biết mình bị xơ gan không còn cách nào chữa trị, lẽ ra phải bỏ rượu thì tôi lại nhậu nhiều hơn, nhậu để chết sớm cho rồi. Mà thật ra tôi đã chết từ lâu nếu không có anh Thế Ngữ. Trong một cơn đau bất tỉnh, anh Ngữ đã đưa tôi vào Bệnh viện An Bình. Nằm ở đó một thời gian, bạn bè xúm lại chuyển tôi qua Bệnh viện Việt Pháp với hy vọng được điều trị tốt hơn. Nhưng ở Việt Pháp họ quản lý quá nghiêm ngặt, không cho thân nhân vào chăm sóc. Một đêm nọ nằm một mình buồn quá, tôi nghĩ đến cái chết. Nhưng sợi dây cáp truyền hình không treo nổi thân tôi", anh nhớ lại.

Một ngày cuối năm 2004, báo chí đưa tin Lê Vũ Cầu đang hấp hối, bạn bè, đồng nghiệp, người thân, khán giả ùn ùn kéo đến. Hội Sân khấu thành lập ban tang lễ, người lo điếu văn, người lo mua hòm, người lo nhà tang lễ, người đi chùa nghệ sĩ xin đất nghĩa trang. Nhiều khán giả ngưỡng mộ Lê Vũ Cầu kéo nhau đi nhà thờ cầu nguyện, những gia đình Phật tử tổ chức cầu an.

Nhưng sau ngày thứ ba, chẳng hiểu phép mầu nào đã vực Cầu sống lại.

Sống! Tại sao mình lại sống? Sống bao lâu nữa? Và sống như thế nào? Đó là những điều mà Lê Vũ Cầu luôn tự hỏi. Phải chăng có sự nhiệm màu từ những lời cầu nguyện hay từ những liều thuốc gia truyền mà khán giả đã cho anh? Anh mở quán cơm từ thiện để giúp trẻ mồ côi, những người thất cơ lỡ vận, những hành khất qua đường, nhưng phải bằng tấm lòng, bằng sự trân trọng thật sự như những tình cảm mà bạn bè và khán giả đã giúp cho mình. Chính vì lẽ ấy, anh dạy nhân viên phục vụ không được phân biệt đối xử giữa khách ăn cơm từ thiện và thực khách bình thường. Thức ăn từ thiện phải sang trọng, sạch sẽ và thay đổi thực đơn liên tục, phải bảo đảm chất lượng như sản phẩm kinh doanh.

Bây giờ, nếu có ai hỏi rằng anh có dự tính gì không, anh chỉ trả lời gọn: "Nếu bán được đất, mình sẽ tiếp tục đầu tư cho quán cơm từ thiện, thế thôi. Nhìn người ta ăn thấy thương lắm, chỉ tiếc rằng mình chưa đủ sức để làm cho nó đàng hoàng hơn nữa".

(Theo Sài Gòn Tiếp Thị)
Bạn có thể tìm hiểu thêm những thông tin về ShowBiz tại:

www.myspace.com/phuongtung
http://vn.myblog.yahoo.com/phongvienphuongtung

Hình ảnh Hình ảnh Hình ảnh
LisaRoanoke
Thành viên thực thụ
Thành viên thực thụ
Bài viết: 498
Ngày tham gia: Tư T5 14, 2008 6:20 pm
Tiếp xúc:

Bài viết chưa xem by LisaRoanoke »

Lê Vũ Cầu, gót giang hồ từ nay khép lại.

Từng sở hữu hơn mười mảnh đất nhưng chưa bao giờ có một mái nhà thật sự. Là cha của hai người con gái nhưng từ rất lâu rồi cha con cũng chẳng trùng phùng. Lê Vũ Cầu khép cuộc đời lãng tử trong vòng tay của bạn bè và em trai, cháu gái.

Khoảng 4 năm trước đây, bác sĩ đã cảnh báo, với căn bệnh ung thư gan, Lê Vũ Cầu chỉ sống chừng được vài năm. Dù biết trước như thế, tin Lê Vũ Cầu qua đời lan truyền trong giới văn nghệ sĩ và khán giả như một làn sóng buồn. Vậy là từ nay, người diễn viên này vĩnh viễn dừng lại chặng đường giang hồ rong ruổi.

Theo lời kể của những bạn bè bên anh trong thời gian nằm bệnh viện tại Thủ Đức, nhiều ngày cuối đời, Lê Vũ Cầu lúc tỉnh lúc mê. Khi tỉnh, bạn bè đến thăm, gọi anh, anh hấp háy mắt cho biết là còn nhận ra bạn chứ không nói được. Một ngày trước khi qua đời, bạn anh còn đút cho anh hớp được mấy ngụm cháo và anh chỉ ăn có thế thôi.

Cũng một khoảng thời gian ngắn trước khi nhắm mắt, có bác sĩ thăm bệnh vô tình kéo chân khiến anh kêu lên một tiếng "á" rất lớn. Nghe anh kêu thế bạn bè rất mừng, vì lần thập tử nhất sinh trước đây, tưởng anh đã ra đi nhưng có ai vô tình làm gì đó khiến Lê Vũ Cầu đau quá, thốt lên tiếng chửi, vậy mà hôm sau lại khỏe ra. "Mọi người đều mong điều đó xảy ra lần nữa nhưng rốt cuộc phép màu đã không lặp lại", đạo diễn Thế Ngữ, người tận tâm chăm sóc Lê Vũ Cầu kể.

Hình ảnh
(Từ trái qua, nghệ sĩ Lê Tuấn Anh, đạo diễn Thế Ngữ, nghệ sĩ Phước Sang tại đám tang diễn viên Lê Vũ Cầu. Ảnh: Anh Vân).

Lê Vũ Cầu nằm viện nhiều ngày nhưng anh mất không phải trong bệnh viện mà tại chính quán sân vườn Vợ thằng đậu, nơi có bếp cơm chay ấm cúng anh dành cho người nghèo quận Thủ Đức nhiều năm qua. Anh mất đi trong nhẹ nhàng thanh thản và chưa kịp trăng trối lại điều gì. Bởi lúc anh còn sống, không ai muốn nhắc đến việc có thể ngày nào đó Vũ Cầu sẽ ra đi vĩnh viễn. Ai cũng hy vọng người từ tâm như anh sẽ còn gắn bó lâu dài với cuộc đời này.

Ngoài phút tất bật lo mua quan tài và tổ chức chương trình tang lễ, những bạn bè, đồng nghiệp gắn bó với Lê Vũ Cầu như nghệ sĩ Lê Tuấn Anh, đạo diễn Thế Ngữ, đạo diễn Trần Mỹ Hà, nghệ sĩ Phước Sang... mới có dịp ngồi lại ôn kỷ niệm về người diễn viên có cuộc đời đầy những cay đắng, cực khổ lẫn vinh quang như Lê Vũ Cầu.

Theo Thế Ngữ, Lê Vũ Cầu có hai người thân ruột thịt là một em trai đang đi tu ở Miến Điện. Người em khác thì sống ở Cà Mau. Anh cũng có hai người con gái với hai người vợ. Trong đó, một người vợ anh kết hôn đang hoàng vào khoảng năm 1980, nhưng sau đó vợ chồng không sống được với nhau nên vợ con đi mất. Còn người con gái sau là kết quả của mối tình giữa một người nghệ sĩ với một khán giả hâm mộ. Rốt cuộc mối tình cũng không mang lại mái ấm gia đình cho cuộc đời Lê Vũ Cầu.

Hình ảnh
(Từ nay, nghệ sĩ Lê Vũ Cầu đã dừng gót giang hồ).

Đạo diễn Thế Ngữ tâm sự, vốn là người gắn bó với Lê Vũ Cầu từ trước năm 1975 đến nay, ông chưa thấy cuộc đời nghệ sĩ nào lắm nỗi thăng trầm như Lê Vũ Cầu. Ngoài những phút thăng hoa trong vai diễn, trên sân khấu và màn ảnh, nỗi buồn và sự cô đơn dường như dính chặt vào cuộc đời anh. Đúng nghĩa đây là một bụi đời thứ thiệt, lăn lóc rày đây mai đó. Khi Lê Vũ Cầu chia tay vợ, cái duyên gồ ghề, gân guốc và ngang tàng đầy khí khách đàn ông của anh khiến cho nhiều cô gái rất mê, rất thương; nhưng không ai dám lấy anh. Mà đó là điều hiển nhiên. Có cô gái nào dám lấy một người đàn ông một tháng hết 20 ngày có thể ngủ ngoài đường, rong ruổi nay đây mai đó không có một mái nhà. Anh làm ra được đồng nào thì dốc túi cho bạn bè cho người người nên túi lúc nào cũng rỗng không. Trọn đời từ lúc sống đến khi nằm xuống, chưa bao giờ Lê Vũ Cầu có một cái nhà thật sự. Ngay cả khoảng thời gian anh sở hữu khá nhiều đất đai thì một mái nhà cũng là điều quá xa vời.

Khác với nhiều nghệ sĩ thường tổ chức tang lễ tại Nhà tang lễ TP HCM, đạo diễn Thế Ngữ cho rằng, một nghệ sĩ có tính cách "đại chúng" như Lê Vũ Cầu chắc nơi chín suối cũng không muốn được viếng thăm ở một nơi trang trọng với nghi thức cầu kỳ. Ngày 23, ngày anh ra đi, anh được nằm lần cuối tại quán Vợ thằng đậu. rất đông người dân nghèo, những người ở Hội công giáo, các công dân, bạn bè, khán giả hâm mộ đến cầu nguyện cho anh về miền đất Chúa. Vì là tín đồ công giáo, ngày 24, thi hài anh được làm lễ tại nhà thờ quận Thủ Đức, sau đó được di về Nhà Truyền thống Ban ái hữu Nghệ sĩ TP HCM (số 133 Cô Bắc, quận 1) để mọi người viếng thăm. Đến ngày 27, sau lễ truy điệu, anh sẽ được mang về chôn cất tại Chùa nghệ sĩ.

Đối xử với mọi người chan hòa tình cảm, tính tình thẳng thắn, chân thật, "ruột để ngoài da" là những đức tính mà bạn bè yêu quý ở Lê Vũ Cầu. Nhưng nỗi buồn đeo bám của đời nghệ sĩ khiến anh còn tìm đến rượu như nơi trú ẩn. Mọi người còn nhớ, có dạo anh khi mới mở quán Vợ thằng đậu, anh ngồi uống rượu liên tục từ 11h hôm nay đến 11h hôm sau. Cứ thế liên tiếp trong 15 ngày. Đến ngày thứ 16 anh ngã ra xỉu và phải nhập viện gấp.

"Nhiều năm trước, khi sức khỏe có dấu hiệu giảm sút. Khi Lê Vũ Cầu đi lưu diễn sang Australia, thấy có chiếc máy đo cảnh báo bệnh, nó cũng kiểm tra thử. Mức máy báo 4 vạch đã là nguy cấp nhưng với Cầu mức cảnh báo lên đến 6 vạch", đạo diễn Thế Ngữ nhớ lại.

Khi biết mình mắc bệnh nan y, Lê Vũ Cầu ngoay ngoắt trong lòng nỗi niềm yêu cuộc sống. Anh hạn chế uống rượu, mở quán cơm cho người nghèo. "Ít nghệ sĩ nào nghĩ ra được ý tưởng lâu dài và thực hiện bền bĩ, lặng lẽ như anh Cầu đã làm ở quán cơm từ thiện. Đó là một điều gì chia sẻ, gieo lại chút điều thiện trong khả năng hạn hẹp và nhỏ bé của đời người ... Anh Cầu là một con người đầy nghị lực, ý chí vươn lên trong cuộc sống rất cao. Dù anh ra đi quá sớm nhưng anh cũng đã kịp để lại cho đời những vai diễn hay và một tấm lòng nhân ái.

"Theo công giáo nhưng lúc sống Lê Vũ Cầu có tâm nguyện khi mất đi được nằm tại Chùa nghệ sĩ ở Gò Vấp, đây sẽ là một mái nhà dành cho người nghệ sĩ đã sống chết với nghề", đạo diễn Thế Ngữ nói.

Điều khiến đạo diễn Thế Ngữ băn khoăn là Lê Vũ Cầu mất rồi không biết số phận bếp cơm chay từ thiện tại quán Vợ thằng Đậu của anh sẽ đi về đâu. Khi anh khỏe, quán là tâm huyết được anh chăm chút từ món mặn bán cho khách đến món chay tặng người nghèo. Đó là một việc thiện mà Lê Vũ Cầu thực hiện bền bỉ. Nay anh từ giã cuộc đời, không biết ai sẽ chăm sóc quán. "Quán trả tiền thuê mặt bằng 6 triệu đồng/tháng. Từ khi mở đến nay chỉ thấy lỗ vốn. Lúc Cầu nằm viện tiền lương cho nhân viên quán cũng chưa trả xong. Tương lai quán này không biết sẽ đi về đâu, hay có lẽ cũng theo Cầu mà đi luôn", Thế Ngữ ngậm ngùi.

(Hà Thoại).
Bạn có thể tìm hiểu thêm những thông tin về ShowBiz tại:

www.myspace.com/phuongtung
http://vn.myblog.yahoo.com/phongvienphuongtung

Hình ảnh Hình ảnh Hình ảnh
LisaRoanoke
Thành viên thực thụ
Thành viên thực thụ
Bài viết: 498
Ngày tham gia: Tư T5 14, 2008 6:20 pm
Tiếp xúc:

Bài viết chưa xem by LisaRoanoke »

Nghệ sĩ Lê Vũ Cầu qua đời

4h40 sáng nay, diễn viên Lê Vũ Cầu qua đời tại quán Vợ Thằng Đậu, số 40 Đặng Văn Bi, quận Thủ Đức, TP HCM, hưởng dương 53 tuổi.
>>Khi cuộc đời níu gọi
>>Cả đời không biết một mái ấm
>>Ước được ra đi nhẹ nhàng


Trước đó, anh đã nằm Bệnh viện Quân dân miền Đông (quận 9, TP HCM) gần một tháng để điều trị căn bệnh xơ gan cổ trướng tái phát. Căn bệnh nan y khiến anh thường xuyên lâm vào tình trạng hôn mê. Luôn bên cạnh anh trong những ngày cuối cùng của cuộc đời, ngoài gia đình người thân còn có bạn bè như: đạo diễn Thế Ngữ, diễn viên Lê Tuấn Anh và nghệ sĩ Phước Sang.

Cách đây hơn ba năm, khi biết mình mắc bệnh nan y, Lê Vũ Cầu đã tâm nguyện mở quán cơm chay Vợ Thằng Đậu để phục vụ miễn phí cho dân nghèo tại Thủ Đức. Không ít lần, nghệ sĩ này đã trải qua những phút thập tử nhất sinh, nhưng anh lại may mắn vượt qua được định mệnh để vui vẻ trở lại với cuộc đời.

Nghệ sĩ Lê Vũ Cầu tên thật là Lê Bửu Cầu, sinh năm 1956 tại Cà Mau. Năm 8 tuổi, anh rong ruổi theo gánh hát cải lương Minh Cảnh làm công việc hậu đài. Qua quá trình phấn đấu, Lê Vũ Cầu trở thành nghệ sĩ đóng thành công nhiều dạng vai, kể cả vai hài trên sân khấu đoàn kịch nói Bông Hồng.

Đến nay, khán giả còn nhớ đến anh qua nhiều vai diễn nổi tiếng trên sân khấu trong các vở kịch: Khuất Nguyên, Vũ Như Tô, Chí Phèo, Người đàn bà đức hạnh… và nhiều bộ phim. Anh còn là đạo diễn của các vở kịch như Con gái ngài giám đốc, Chuyện lạ, Con ai...

Lễ viếng bắt đầu 10h ngày 24/9 tại Nhà Truyền thống Ban ái hữu Nghệ sĩ TP HCM (số 133 Cô Bắc, quận 1). Lễ truy điệu được tổ chức lúc 10h30 ngày 27/9, an táng tại Nghĩa trang Nghệ sĩ Gò Vấp (TP HCM).

(Tùng Dương).

Khi cuộc đời níu gọi

Sinh ra trong thời chiến, mồ côi cha từ nhỏ, lưu lạc giang hồ, tình duyên trắc trở, đến cuối đời phải chia tay với một thứ mà mình quá thương yêu - sân khấu, thế nhưng, Lê Vũ Cầu vẫn thấy được cuộc đời ưu ái và bù đắp.

Anh được công chúng biết đến qua các vai diễn, được sống cạnh những người bạn tri âm, được thực hiên ước mơ mở quán cơm từ thiện. Đó là tất cả niềm hạnh phúc của anh. Năm 2002, vì bệnh gan anh, đã phải suýt từ giã cuộc đời. Khi biết mình bệnh không còn cách nào chữa trị, lẽ ra phải bỏ rượu thì anh nhậu nhiều hơn, mà theo lời anh là "nhậu để chết sớm cho rồi".

Lê Vũ Cầu thậm chí đã trải qua giờ phút hấp hối vào một ngày cuối năm 2004. Vậy mà anh vẫn sống, chẳng hiểu là do phép màu nhiệm nào. Anh luôn tự hỏi tại sao mình lại sống, sống bao lâu nữa và sống như thế nào đây?

Hình ảnh
(Nghệ sĩ Lê Vũ Cầu).

Năm 2005, Lê Vũ Cầu lặng lẽ nói lời chia tay sân khấu - chia tay một thứ anh quá đỗi yêu thương yêu vì lý do sức khoẻ. Sân khấu chứa đựng những nỗi đam mê đầy cám dỗ. Cho đến bây giờ sân khấu vẫn còn ám ảnh Lê Vũ Vầu ngay cả khi anh tưởng mãi đã lìa xa chúng. Đạo diễn Thế Ngữ - người bạn thân thiết nhất luôn túc trực bên anh - cho biết năm 2007 sẽ thực hiện liveshow Giã từ sân khấu của nghệ sĩ Lê Vũ Cầu. Anh xứng đáng được đứng tên một đêm diễn.

Vợ thằng Đậu là một tiểu phẩm hài đậm chất dân gian Nam bộ rất ăn khách để lại dấu ấn cho đôi bạn diễn Hồng Vân - Lê Vũ Cầu từ chục năm trước. Giờ đây, anh tiếp tục làm để bà con có dịp cười vui thư giãn. Lần này, chuyện sẽ xoay quanh đám con 6 đứa lúc nhúc trong chòi chăn vịt của vợ chồng Đậu nhiều hơn. Rút kinh nghiệm đời mình, Đậu quyết đưa con thoát cảnh nghèo khổ dốt nát, tụi nhỏ đứa thì giỏi vi tính, đứa giỏi ngoại ngữ, đứa mê học võ…

Những câu chuyện vui, những xung đột và dung hoà thấm thía sẽ phát sinh từ hai thế hệ khác nhau này. Lê Vũ Cầu nói chắc chắn anh sẽ đóng vai Đậu và cố mời Hồng Vân tham gia vai vợ của Đậu. Còn 6 đứa con anh sẽ mời toàn "ngôi sao" của làng hài như Thuý Nga, Anh Vũ, Việt Hương… Qua tiểu phẩm này, anh mong muốn quảng bá du lịch cho các vùng miền và khắc họa câu chuyện của mỗi cá nhân khi đất nước bước vào thời hội nhập.

Mồ côi từ năm lên 9, Lê Vũ Cầu một mình rời bỏ quê hương Tây Ninh ra Quy Nhơn sống cảnh… bụi đời: đánh giầy, làm thuê và sa vào nghiện ngập. Rồi có một đêm nọ đoàn cải lương Minh Cảnh ra hát ở Quy Nhơn, anh cảm thấy bồi hồi khi nghe câu vọng cổ dường như gợi lại những dòng sông, xuồng ghe, bến nước và cánh đồng đâu đó trong tuổi thơ của mình. Anh chạnh lòng khao khát một quê hương. Thế là anh đi theo đoàn hát cho thoả kiếp giang hồ.

Lê Vũ Cầu từ đoàn Minh Cảnh sang Mây Tần, Hương Mùa Thu, Kim Chưởng, Phước Chung, Bông Hồng, Cửu Long Giang… đi lưu diễn khắp miền Trung đến miền Tây. Từ một nhân viên hậu đài làm công việc soát vé, kéo micro, kéo màn rồi được đóng vai quân sĩ, dần lên vai phụ rồi kép chính. Từ cải lương sang kịch nói, Lê Vũ Cầu chẳng bao giờ hy vọng trở thành một nghệ sỹ nổi danh. Bây giờ cũng thế, chưa bao giờ anh tự nhận mình là một danh hài. Là người trọng nghĩa khinh tài, anh lúc nào cũng biết ơn sân khấu, vì "không ngờ rằng, sân khấu là nơi đã cứu cuộc đời tôi".

Lăn lộn ở trường đời, Lê Vũ Cầu có được vốn sống khá phong phú để mang vào nghề diễn. Năng khiếu nghệ thuật bẩm sinh cộng với ý chí rèn luyện đã giúp anh trở thành nghệ sĩ thực thụ. Dù với thể loại nào: chính kịch, hài kịch hay điện ảnh thì anh vẫn luôn tạo ấn tượng với lối diễn chân thật, biết khai thác tận cùng tâm trạng nhân vật để truyền được cảm xúc đến với người xem. Ngoài vai trò kịch sĩ, Lê Vũ Cầu còn là một đạo diễn tài hoa với những vở dựng cho sân khấu kịch 5B như Chuyện lạ, Con gái ngài giám đốc…

Có một chỗ đứng trên sân khấu kịch và điện ảnh cho đến khi chia tay nghề diễn, giờ đây, khi đã bước sang tuổi 52, Lê Vũ Cầu vẫn "một mình một bóng". Anh mở quán cơm từ thiện để giúp trẻ mồ côi, những người thất cơ lỡ vận, những hành khất qua đường bằng cả tấm lòng, bằng sự trân trọng thực sự. Anh đã chuẩn bị tất cả, nếu có ra đi thì quán cơm ấy vẫn được duy trì, như tình yêu thương sẽ mãi còn tiếp nối. Người ta vẫn thấy anh thỉnh thoảng rời quán gà vườn Vợ thằng Đậu của mình ở Thủ Đức để vào Sài Gòn lấy thuốc, rồi gặp gỡ bạn bè cà phê hàn huyên…

Căn bệnh xơ gan biến chứng rất nhanh, không biết trước được ngày nào… Khi cuộc đời đã nhiều lần níu gọi, giờ đây anh luôn cảm thấy phải gắng sống tiếp, với yêu thương, với khán giả, người thân, bạn bè, đồng nghiệp và cả những người không quen biết tìm đến quán cơm từ thiện. Thiết tha một nỗi yêu đời và yêu sân khấu, Lê Vũ Cầu vẫn cặm cụi bước đi, để lại tặng muôn tiếng cười sâu sắc cho bao người hâm mộ.

(Theo VTV.vn)

Cả đời không biết một mái ấm.

Sân khấu biến một cậu bé giang hồ vô gia cư, nghiện ma tuý thành một nghệ sĩ thực thụ. Nghệ thuật cho Lê Vũ Cầu một vai ông Cá Hô để đời trong điện ảnh, một cá tính hài trên sân khấu, nhưng không ai cho ông nổi một gia đình...

Sài Gòn chứa trong lòng nó biết bao nhiêu cuộc đời kỳ lạ. Lê Vũ Cầu cũng là một trong những cuộc đời ấy, một cuộc đời nhỏ bé nhưng lấm láp mấy chục năm làm nghệ sĩ. Sau cơn bạo bệnh, gã giang hồ nghệ sĩ ấy giờ thoi thóp sống cùng quán cơm chay từ thiện của mình như một kẻ tu hành, dù không phải lúc nào trái tim bệnh tật ấy cũng ngủ ngoan trước sức cám dỗ của nghệ thuật...

Khá lâu rồi, Lê Vũ Cầu sống trên một chiếc mobile home - một chiếc xe Yukon. Vị đạo diễn của nhiều vở kịch ấm áp này lại chọn nơi lưu hành cuộc sống của mình trên những ngả đường. Di động giữa thành phố, anh gần như bật ra khỏi nhịp sống náo nhiệt này, mặc cho hàng triệu con người bên cạnh anh hối hả và kiệt sức để kiếm cho mình một món bất động sản. Lê Vũ Cầu đã sống trong căn nhà di động ấy hai năm và hoàn toàn hài lòng. Mới hay, cái chất phiêu lưu, khao khát đời sống không bó buộc đã nhuốm chặt lấy tâm não anh.

Hình ảnhHình ảnh
(Nghệ sĩ Lê Vũ Cầu).

Nhưng đến một ngày anh nhận thấy mình không còn xứng đáng với ngôi nhà tự do ấy nữa. Anh bị bệnh. Chiếc xe ấy biểu trưng cho sự khoẻ mạnh và phục vụ một người chọc trời khoấy nước. Chiếc xe không thích hợp cho việc đi lại, sắc thuốc của một người bệnh. Anh bán nó đi và mướn một căn nhà ở Thủ Đức để bắt đầu một cuộc sống gần như im lặng với nghệ thuật. Anh muốn khán giả quên hẳn Lê Vũ Cầu đi, để nếu có trở lại với sân khấu, anh sẽ bắt đầu một chân dung mới.

Lê Vũ Cầu bệnh nặng, giới nghệ sĩ Sài Gòn gần như đã buộc phải nghĩ rằng, họ chuẩn bị mất đi một "ông Cá Hô" làm nghề nghiêm túc và tài năng. Anh nằm trong Bệnh viện Bình An, bệnh xơ gan cổ trướng. Đạo diễn Thế Ngữ đưa anh vào viện, trông nom anh, như từng chăm sóc, yêu quý và giúp đỡ anh, đứa em côi cút, suốt mấy chục năm trời. Nghệ sĩ Phước Sang còn tính đi đặt quan tài rồi, các nghệ sĩ khác đã cắt đặt nhau để lo hậu sự cho anh. Nằm hôn mê 3 ngày, Lê Vũ Cầu tỉnh lại. Và bắt đầu hành trình quay trở lại với sự sống.

Anh nhớ lại những ngày ấy, dường như trong ý nghĩ của anh luôn thường trực một tâm niệm phải sống. Anh sợ mình đi vào cơn mê kia và cứ cuốn đi mãi không còn lại gì. Bởi thực tình, khi ấy anh thèm được sống, để tiếp tục những dự định sân khấu của mình. Lê Vũ Cầu tự nhận mình được trời thương vì hiếm có ai xơ gan cổ trướng mà lại có thể tiếp tục sống.

Đời nghệ sĩ một mình, sống nay đây mai đó, không bạn bầy với rượu mới là chuyện hiếm. Anh làm bạn với rượu quá sớm và chưa lúc nào có thể ngưng. Thế nên khi biết mình mắc trọng bệnh, anh lại càng uống nhiều rượu, chỉ để mong cái chết đến nhanh hơn. Nhưng khi từ cõi chết trở về, anh đã chống chọi không ngừng nghỉ với mầm bệnh đang chầu chực trong người.

Lê Vũ Cầu đến với rượu không phải tình cờ. Phía sau mỗi cuộc đời sóng gió là một cá tính bất thường, một lối sống bất thường. Một tuổi thơ bị đánh cắp. Không được học hành. Không có gia đình. Cậu bé mồ côi xứ Cà Mau này sống suốt một cuộc đời thiếu quê hương. Năm 1963, ba mẹ anh trúng đạn máy bay, bỏ lại 6 chị em côi cút, khi ấy anh mới vừa 8 tuổi. Sáu chị em nương tựa vào những người bà con, nhưng rồi chịu không được cảnh ghẻ lạnh, cậu bé đã bỏ làng mà đi.

Bỏ làng, đi lang thang, sống vật vờ dưới trời bom rơi đạn lạc. Lưu lạc mãi tận Quy Nhơn, để rồi, cậu bé ấy làm đủ nghề để sống, làm đủ việc để mong có được miếng cơm sạch, tấm áo lành. Vậy mà cuối cùng giấc mơ con ấy vẫn mãi nhọc nhằn. "Tôi đã thành một đứa trẻ giang hồ, sống không có ngày mai. Khi ấy, cái tên Cầu "Sài Gòn" nổi tiếng khắp Quy Nhơn. Người ta nhìn thấy tôi là nhìn một thằng bé đen nhẻm, liều lĩnh, dám làm đủ chuyện, từ ăn xin, đánh giày, cướp giật ở nhà ga, bảo kê gái giang hồ trước đám lính Mỹ...", Lê Vũ Cầu tâm sự.

Cuộc sống trôi đi trong nhiều biến động. Cậu bé giang hồ ấy đã tìm cách kiếm sống bằng những kho hàng của lính Mỹ. Và một ngày, khi những đốm lửa đạn sáng rực bờ sông, khi những đứa bạn của anh kêu lên thất thanh, khi tiếng dòng sông bỗng trở nên ấm ức như tiếng nước mắt chảy, Lê Vũ Cầu đã mất đi 6 đứa bạn thân thiết trong nhóm trẻ đường phố. Chúng đã nằm lại đó, dưới mũi súng của giặc Mỹ. Và anh rơi vào trạng thái của kẻ mắc lỗi, sống trong một tinh thần bất an, đầy hoảng loạn. Chính thời điểm đó, anh đã tìm đến ma tuý như một thứ nô lệ tinh thần. Và rồi, anh trở thành một con nghiện giữa đầu đường xó chợ.

Khi đi theo gánh hát cải lương Minh Cảnh, Lê Vũ Cầu chưa thoát được những cơn nghiện. Nhưng cực khổ quá, anh buộc phải nghĩ đến cách sống không ma tuý. Và lại là những cuộc vật lộn không ngừng nghỉ, những cuộc chạy đua liên hồi với khói thuốc. Cuối cùng anh đã thắng, đã đi lên thành một nghệ sĩ thực thụ từ một thang bậc khắc nghiệt của một đứa vô danh đến vai chạy cờ, vai phụ rồi vai chính. Lê Vũ Cầu nói, chính vì trải qua mọi câu chuyện ấy, mà anh đã không thấy sợ hãi trước những biến cố hay thay đổi. Anh chỉ tìm cách thích ứng với nó mà thôi.

Nhìn lại chặng đường dài Lê Vũ Cầu gắn bó với nghệ thuật, người ta sẽ nghĩ nhiều đến anh qua vai trò đạo diễn. Còn nhớ, năm 2003, vở kịch bạc tỷ Sụp đổ do anh làm đạo diễn đã gây xôn xao dư luận. Hay rất nhiều những vở hài kịch mà anh là tác giả kiêm luôn diễn viên chính, một lối hài tỉnh queo và tạo nên tiếng cười thâm thuý. Nhưng vai diễn mà anh sẽ để lại tới sau này, đó chính là vai Năm trong phim Ông Cá Hô, bộ phim không dài nhưng mang vẻ đẹp mộc mạc và lâu bền của đạo diễn Trần Mỹ Hà.

Cái Vàm Nao ấy, nơi tình yêu đẹp đẽ của người đàn ông miệt ruộng với cô đào hát cải lương bắt đầu. Năm đã sống một đời bằng tình yêu không đong đếm. Để rồi, người yêu anh, nhờ tiền bán cá hô của anh, mà lên thành phố trở thành ngôi sao sân khấu. Lặng lẽ Năm theo dõi người yêu, không hờn trách người yêu, không oán hận người xưa phụ bỏ mình mà còn lo lắng cô dễ bị người đời lường gạt nơi phố thị.

Lê Vũ Cầu đã sống trọn vẹn với vai diễn ấy. Khi đó anh mới ngoài ba mươi tuổi, sống mạnh mẽ và phóng khoán, anh đã đi vào cuộc đời Năm như đi vào chính cuộc đời mình. Và đến tận bây giờ, anh vẫn luôn giữ trong mình con cá hô đáng yêu ấy.

Lê Vũ Cầu giữ nguyên một cá tính trong nghệ thuật, là luôn cẩn trọng, hết mình và không vội vàng. Có lần trò chuyện, diễn viên Thanh Thuý bảo, Thuý luôn dành cho anh Cầu một tình cảm riêng biệt. Bởi anh đã là người thày lớn với cô trên chặng đường đầu tiên đến với sân khấu. Ngày đó, ai cũng biết Lê Vũ Cầu chăm sóc cho Thuý từng nét diễn.

Mỗi khi cô có vai, anh uốn nắn từng buổi tập và khi cô lên sàn diễn, anh nín thở trong cánh gà xem và lại chỉnh sửa. Nhưng anh không bao giờ khen cô. Anh luôn chê trách nghiêm khắc, đến mức một cô gái trẻ đẹp và nhận nhiều lời khen tụng như Thuý cũng tin rằng, mình chẳng là gì cả và mình phải cố gắng nhiều hơn.

Sau này khi trưởng thành thêm, Thuý hiểu ra những việc anh làm cho mình. Ngay từ khi gặp nhau buổi đầu tiên, cả hai đã bị cuốn hút nhau một cách kỳ lạ, đó có thể hiểu như sự tương thông trong quan niệm thẩm mỹ và khao khát làm nghề. Nhiều người cũng xôn xao về mối tình giữa Lê Vũ Cầu với Thanh Thuý. Nhưng anh nói rằng, đó là tình anh em.

Còn Thanh Thuý nói, cô coi anh như một người anh lớn, một người thày và có một chút của tình cảm cha con. Những khi anh đau ốm, cô là người chăm sóc. Anh chỉ dạy cho cô mọi kinh nghiệm dưới ánh đèn sân khấu. Nhưng họ đã không đi đến một tình yêu. Hoặc nếu có, đó là sự mong manh của những cảm xúc đẹp mà không ai bận công lý giải.

Lê Vũ Cầu có nhiều mối tình, nhiều người phụ nữ đã đi qua đời anh và mỗi người để lại cho anh một niềm vui. Nhưng đến giây phút này, anh chỉ còn lại một tình yêu nhưng tình yêu ấy đã không thể nào công bố được. Người con gái ấy đã yêu anh trong tình yêu đầu, để rồi không đi đến tận cùng tình yêu vì phải thuận ý gia đình. Sau bao nhiêu năm, nay vẫn là những điều quý giá còn lại với Lê Vũ Cầu.

Gặp lại Lê Vũ Cầu trong một chiều cuối tuần rất nắng. Anh phải đeo kính mới nhìn được số điện thoại, nét cười hằn vị buồn phiền. Anh ngồi trong căn quán lá của mình, nơi này anh đi thuê để bắt đầu một cuộc sống mới, với quán cơm chay từ thiện, mỗi ngày vài trăm suất cho khách thập phương lỡ độ đường hay những người nghèo không có tiền cơm. Những chén cơm sạch sẽ được mang đến từ tấm lòng chân thành. Đó cũng là món cơm chay Lê Vũ Cầu ăn hai bữa mỗi ngày. Anh ăn cơm chay, uống thuốc trị bệnh, nay bệnh cũng đã thuyên giảm đến 60%, như thể bệnh khỏi nhờ tâm.

Rồi cứ cố gắng khoẻ mạnh, anh sẽ bắt đầu bộ phim Vợ thằng Đậu 10 tập trong năm 2007, kể như kế hoạch cuối đời với nghệ thuật. Sống từng ngày và cố gắng từng ngày, Lê Vũ Cầu đã mang tâm thế của người chấp nhận sòng phẳng với cái chết. Anh chỉ mong ước, cái quán cơm này vẫn còn duy trì mãi. Bởi suốt một phần đời dài, anh được nuôi sống nhờ những món cơm từ thiện. Và quán Vợ thằng Đậu anh mở ra như một sự tri ân.

Lê Vũ Cầu nói, anh cả đời không biết một mái ấm là thế nào, nên anh sống chung với nhân viên trong quán, ăn ngủ cùng họ, nhận một cậu nhỏ làm con nuôi để nó tiếp tục cái quán cơm này. Anh cũng có một miếng đất rộng ở Vũng Tàu, từng tính chia đất cho bạn bè để lập xóm nghệ sĩ nhưng nay thành phố quy hoạch làm vườn hoa, nên anh lại buông xuôi chờ ngày giải toả nhận tiền đền bù mà thôi. Thế nên, đi gần năm mươi năm, Lê Vũ Cầu vẫn thực sự chưa an cư. Dù thế nhưng giờ đây, với ông Cá Hô xù xì này, điều đó không còn quan trọng nữa...

(Theo An Ninh Thế Giới)

Ước được ra đi nhẹ nhàng

"Lúc nào tôi cũng khao khát có một gia đình. Trong phòng, TV luôn bật 24/24 giờ dù tôi ngủ hay thức, xem hay không xem, chỉ để nghe được tiếng người nói, cảm giác như mình đang có một gia đình. Tuy vậy, ngay cả lúc ốm thập tử nhất sinh, tôi cũng không bao giờ ân hận về quyết định sống một mình", nghệ sĩ Lê Vũ Cầu tâm sự trong khi sức khỏe đang yếu dần đi vì căn bệnh xơ gan.

- Có một người phụ nữ chiếm vị trí rất đặc biệt trong trái tim anh. Cô ấy là tình đầu hay tình cuối?

- Trước năm 1975, tôi sống không nghĩ tới ngày mai. Nhưng sau khi gặp cô ấy, tôi đã biết thế nào là yêu và hạnh phúc. Năm đó tôi 20 tuổi, tay trắng, một mình đi theo đoàn hát cho thỏa kiếp giang hồ. Còn cô ấy là con một gia đình trí thức nhưng lại đam mê ánh đèn sân khấu.

Từ nhỏ, tôi đã thiếu thốn đủ thứ về tình cảm và vật chất nên mỗi khi ở bên cô ấy, tôi đều cảm thấy ấm lòng trở lại. Đối với tôi, cô vừa là người yêu, vừa là mẹ, là bạn. Nhưng cả hai chúng tôi đều không vượt qua được rào cản gia đình khi ba mẹ cô ấy phản đối vì không môn đăng hộ đối. Cô ấy buộc phải lựa chọn: một là tôi, hai là gia đình. Phần vì bản tính tôi ương ngạnh, tự ái, phần vì cô ấy là đứa con có hiếu nên cuối cùng, chúng tôi chấp nhận chia tay.

Tưởng thời gian sẽ giúp chúng tôi nguôi ngoai, nhưng không ngờ nỗi mất mát quá lớn khiến tinh thần bị kiệt quệ đến mức tôi đã có suy nghĩ không hay là sẽ giết chết cả hai. Cũng may tôi bình tâm lại và suy cho cùng, cái chết của tôi chẳng gây đau khổ cho ai vì tôi chỉ có một mình, còn cô ấy có cả gia đình.

Lúc cô ấy đi lấy chồng, tôi đã tìm đến rượu, mong uống cho tới chết mà không được. Cô ấy là người đầu tiên và cũng là người cuối cùng tôi yêu. Tôi tin chắc rằng ngay cả khi tôi nằm xuống thì tình cảm đó vẫn còn mãi.

- Vì thế mà đến giờ, anh vẫn một mình?

- Anh Thế Ngữ (đạo diễn) coi tôi như anh em ruột thịt, là chứng nhân cho quãng đời của tôi trên sân khấu đã nói thẳng: "Chú là người sống bản năng chứ không có bản lĩnh". Nghe ngậm ngùi nhưng tôi thấy đúng. Từ nhỏ tới lớn, tôi đều sống vì bạn, rủ đi đâu tôi cũng đi. Chất giang hồ lãng tử đã ăn sâu vào máu nên không người phụ nữ nào chịu nổi tôi. Có lúc tôi thấy mình không hơn một đứa trẻ. Họ càng chiều chuộng, chăm sóc, tôi càng đòi hỏi. Đối với phụ nữ, tôi mang ơn họ nhiều lắm. Sợ họ khổ nên tôi thà sống một mình.

- Ngoài người phụ nữ đặc biệt còn bao nhiêu người phụ nữ khác đi qua cuộc đời anh?

- Do tính tôi đa cảm nên nhìn người phụ nữ nào tôi cũng thấy rất đẹp. Chỉ cần một bàn tay, ánh mắt, nụ cười, sợi tóc bay bay... là tôi đã có những suy nghĩ lãng mạn và cảm thấy ấm áp lắm rồi. Mà cái số tôi cũng ngộ. Một thân một mình, không giàu có, không quyền lực nhưng lúc nào cũng có phụ nữ ở bên cạnh. Bây giờ cũng thế. Họ không ngại tôi bị bệnh tật hiểm nghèo. Họ chấp nhận tất cả để được ở bên tôi, chăm sóc, an ủi những phút cuối đời. Nhưng tôi không thể vì căn bệnh xơ gan biến chứng rất nhanh, không biết trước ngày nào mình sẽ nhắm mắt, xuôi tay.

- Thời gian trước khi anh bị bệnh, người ta đồn anh và diễn viên Thanh Thúy có gì đó với nhau. Anh nói gì?

- Tôi đồng cảm với Thúy vì Thúy cũng mất cha từ nhỏ. Thúy là cô gái thông minh, sống có trách nhiệm, ngoan đạo và có hiếu. Trong từng vở diễn, tôi đều tập trung lo cho Thúy vào vai như thế nào, thể hiện cử chỉ, ngôn ngữ nhân vật ra sao. Có thể nói, vai diễn chính của Thúy trong vở Chuyện lạ do tôi dựng lại đã đưa Thúy lên đỉnh cao về diễn xuất trên sân khấu. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ là anh em thân thiết, quý mến chứ không có chuyện gì với nhau như tin đồn.

- Trước giải phóng, anh nổi danh là Cầu "Sài Gòn", chuyên cầm đầu một băng nhóm trẻ lang thang ở thành phố Quy Nhơn, dám làm những chuyện động trời như đánh Mỹ để bảo kê cho gái giang hồ. Chuyện này thực tế thế nào?

- Lúc đó tôi mới 11-12 tuổi, có biết gì đâu mà làm bảo kê. Chẳng qua thấy một số lính Mỹ nhậu xỉn, quậy phá, chòng ghẹo chị em phụ nữ nên tôi tìm cách đánh lén. Vì buổi tối đi chơi, lính Mỹ không được mang vũ khí, nên tôi và nhóm bạn mới thoát chết. Lên 16-17 tuổi, tụi tôi cũng chẳng biết yêu là gì. Khi phát hiện được kho hàng của căn cứ Mỹ, cả hội mò vào gặp gì vác nấy, đem về bán cho bà con quanh vùng. Kiếm được đồng nào là tiêu xài hoang phí, rồi dính vào cờ bạc, ma túy lúc nào không hay.

- Thế nghĩa là anh từng nghiện ma túy?

- Khi có 6 người bạn trong nhóm bị lính Mỹ bắn chết cũng là lúc tôi nghiện nặng. Suốt 4 năm trời, tôi sống trong tủi nhục, ê chề, người không ra người, thú không ra thú vì đói thuốc. Sau đó, tôi quyết tâm cai nghiện vì mình nghĩ chỉ có một thân một mình, phải tự cứu lấy đời mình. Một anh trong đoàn hát thương tôi, khuyên tôi nên tập tạ, uống rượu để đè cơn nghiện xuống mỗi khi thèm thuốc. Trải qua một năm vật vã, khổ sở, tôi mới từ từ dứt hẳn. Tôi biết mình vẫn còn may mắn chán.

- Lúc đó, vì lý do gì mà anh đi theo đoàn hát?

- Vì lâu lắm rồi kể từ khi lưu lạc, tôi mới gặp những người nói giọng Sài Gòn giống mình. Không ngờ rằng, sân khấu là nơi đã cứu đời tôi. Nếu không có nó, tôi đã chết vì chiến tranh, ma túy hay đâm chém. Trải qua đủ thứ việc như kéo micro, làm nhân viên hậu đài, soát vé... dần dần tôi được giao vai phụ, vai chính và cảm thấy mê nghề, yêu nghề từ lúc nào không hay.

- Bao nhiêu phen tự tử, nằm hấp hối trên giường bệnh mà kỳ diệu là anh vẫn sống. Anh có nghĩ mình là người cao số?

- Tôi cũng chịu, không lý giải nổi chuyện này. Lúc đau đớn quá, tôi chỉ mong cái chết đến nhanh với mình. Lần tôi thắt cổ bằng dây cáp truyền hình, chẳng hiểu sao sợi dây dày và to như thế lại bị đứt như có một phát dao chặt ngang. Trong giờ phút hấp hối, tôi tưởng đã chết rồi khi nhìn thấy rõ ràng mình đang nằm trong quan tài, vây xung quanh là kèn trống, bạn bè đến tiễn đưa. Sợ quá, tôi không dám nhúc nhích. Tỉnh dậy, việc đầu tiên tôi làm là chạy ra cửa xem đám tang có tổ chức không. Không thấy gì, tôi mới tin mình đang nằm mơ.

- Sinh ra trong thời chiến, mồ côi cha mẹ từ nhỏ, lưu lạc giang hồ, tình duyên trắc trở, đến cuối đời vì bệnh tật hiểm nghèo phải chia tay với một thứ mà anh quá thương yêu - sân khấu. Đúng là số phận đã quá khắc nghiệt với anh. Anh nghĩ gì về điều này?

- Nếu nhìn lại quãng đời đã qua thì tôi chỉ khổ lúc mồ côi cha mẹ. Còn sau này, dù khó khăn rất nhiều nhưng tôi vẫn thấy cuộc đời ưu ái, bù đắp cho mình. Những người khác thường than khổ vì họ muốn nhiều quá. Riêng tôi chỉ muốn đủ. Tôi đã có người phụ nữ để yêu thương suốt cuộc đời này, được công chúng ít nhiều biết đến qua các vai diễn, được đi đó đi đây, được sống cạnh những người bạn tri âm, được thực hiện ước mơ mở quán từ thiện.

- Khách quan mà nói, người làm từ thiện có 2 dạng. Thứ nhất là bản chất người ấy vốn có tính hướng thiện. Thứ hai là họ sám hối vì mắc phải nhiều tội lỗi trong quá khứ. Anh thuộc dạng nào?

- Tôi không thuộc dạng nào cả. Tự hào mà nói, nếu không kể vài ba điều nhỏ nhặt làm mất lòng bè bạn, tôi chưa bao giờ mắc lỗi lầm với ai. Như tôi đã nói, công việc từ thiện là ước mơ từ lâu của tôi. Bởi khi xưa tôi nhận được sự giúp đỡ của nhiều người. Dù không hề quen biết nhưng khi tôi nằm bệnh viện, có người biết tin, sắc thuốc mang đến cho tôi uống, có người hái lá cây này, cây kia... Hay lúc tôi đang nằm nhà dưỡng bệnh, có cụ già ghé quán ăn xong vào đưa tôi tờ báo: "Báo mới bữa nay, chú coi đi" khiến tôi rất cảm động.

Một miếng khi đói bằng một gói khi no. Biết đâu trong số những người đến bếp cơm chay từ thiện trong quán Gà vườn Vợ thằng Đậu lại có con cháu của những người từng giúp đỡ tôi. Tôi luôn tâm niệm, của cho không bằng cách cho nên nhân viên của tôi luôn tế nhị trong cung cách phục vụ.

- Vậy anh đã tính đến chuyện khi anh nằm xuống, bếp cơm từ thiện này sẽ ra sao?

- Nó sẽ vẫn tiếp tục hoạt động. Tôi đã họp tất cả nhân viên lại, nói họ cứ yên tâm ở lại đây vì tôi đã chuẩn bị mọi thứ. Những ai có nhu cầu muốn học nghề, học văn hóa phổ thông, học tiếng Anh đều được đáp ứng. Tôi có nhận một đứa con nuôi. Nó là người rất có tâm với bếp cơm chay này nên tôi tin nó sẽ đảm nhận tốt công việc mà tôi giao phó.

- Nếu có một điều ước cuối cùng cho riêng mình, anh sẽ ước gì?

- Tôi ước sẽ ra đi một cách nhẹ nhàng, thanh thản. Chỉ tiếc một điều tôi học ít quá mặc dù lúc nào cũng thèm học. Tôi không muốn bị mang tiếng là nghệ sĩ mà không được học tới nơi tới chốn. Nhưng có lẽ bây giờ không còn kịp nữa rồi.

(Theo Mỹ Thuật)
Bạn có thể tìm hiểu thêm những thông tin về ShowBiz tại:

www.myspace.com/phuongtung
http://vn.myblog.yahoo.com/phongvienphuongtung

Hình ảnh Hình ảnh Hình ảnh
lathuxua
Thành viên nhiệt tình
Thành viên nhiệt tình
Bài viết: 4149
Ngày tham gia: Hai T8 21, 2006 5:00 pm

Bài viết chưa xem by lathuxua »

Rất cảm ơn sưu tập tin về anh LVC :)) :)) :rock: ()kisss
LisaRoanoke
Thành viên thực thụ
Thành viên thực thụ
Bài viết: 498
Ngày tham gia: Tư T5 14, 2008 6:20 pm
Tiếp xúc:

Bài viết chưa xem by LisaRoanoke »

lathuxua đã viết:Rất cảm ơn sưu tập tin về anh LVC :)) :)) :rock: ()kisss



Không có gì Lá, hy vọng Lá sẽ thích.
Bạn có thể tìm hiểu thêm những thông tin về ShowBiz tại:

www.myspace.com/phuongtung
http://vn.myblog.yahoo.com/phongvienphuongtung

Hình ảnh Hình ảnh Hình ảnh
LisaRoanoke
Thành viên thực thụ
Thành viên thực thụ
Bài viết: 498
Ngày tham gia: Tư T5 14, 2008 6:20 pm
Tiếp xúc:

Bài viết chưa xem by LisaRoanoke »

Đạo diễn Thế Ngữ trọn tình với nghệ sĩ Lê Vũ Cầu
(Thứ năm , 25/09/2008, 10:02)

(CATP) Tuy không có quan hệ huyết thống nhưng đạo diễn Thế Ngữ và nghệ sĩ Lê Vũ Cầu đã gắn kết thâm tình từ rất nhiều năm nay. Ban đầu Lê Vũ Cầu theo “ông bầu” Thế Ngữ đi show ở khắp tỉnh thành phía Nam vào những năm 1980. Rồi tất cả các vở kịch của đạo diễn Thế Ngữ dàn dựng đều có sự đóng góp tích cực của Lê Vũ Cầu... Cả hai cùng mở quán Vợ thằng Đậu ở Thủ Đức, Long Thành... Mỗi khi Lê Vũ Cầu ngã bệnh luôn có đạo diễn Thế Ngữ chăm sóc lo toan mọi thứ. Lần này, sau hơn 20 ngày sát cánh bên Lê Vũ Cầu, đạo diễn Thế Ngữ đã đau đớn vuốt mắt người em kết nghĩa của mình lần cuối. Ông cũng là người gánh vác việc tang lễ từ ngày 23 đến 27-9-2008 cùng với ba người bạn thân thiết nhất của Lê Vũ Cầu: Lê Tuấn Anh, Lưu Phước Sang và Văn Ruy.
Bạn có thể tìm hiểu thêm những thông tin về ShowBiz tại:

www.myspace.com/phuongtung
http://vn.myblog.yahoo.com/phongvienphuongtung

Hình ảnh Hình ảnh Hình ảnh
LisaRoanoke
Thành viên thực thụ
Thành viên thực thụ
Bài viết: 498
Ngày tham gia: Tư T5 14, 2008 6:20 pm
Tiếp xúc:

Bài viết chưa xem by LisaRoanoke »

Thương tiếc nghệ sĩ Lê Vũ Cầu

Sau một thời gian lâm bệnh nặng, nghệ sĩ Lê Vũ Cầu đã trút hơi thở cuối cùng vào lúc 4 giờ 40 ngày 23-9-2008, tại TPHCM. Ở tuổi 53, nghệ sĩ Lê Vũ Cầu “ra đi” đã để lại bao tiếc thương trong lòng bạn bè, đồng nghiệp…

Nghệ sĩ Phước Sang: Anh là người chịu khó tìm tòi, học hỏi

Hình ảnhHình ảnh
(Nghệ sĩ Lê Vũ Cầu (trái) với vai diễn cuối cùng của anh trên sân khấu - vai thầy giáo dạy múa trong vở kịch Ốc mượn hồn).

Anh Lê Vũ Cầu là một người luôn biết vượt qua khó khăn. Từ một đứa trẻ bụi đời, anh đã trải qua nhiều biến cố để đến được với nghệ thuật. Tôi nghĩ rằng, trong cuộc sống, có đôi lúc, con người ta bị vấp ngã, nhưng rồi sau lần vấp ngã ấy, vấn đề là có biết vượt lên để sống tốt, sống có ích hay không. Anh Lê Vũ Cầu là người từng bị vấp ngã và biết vượt qua. Đó là một hình ảnh rất đáng quý. Về nghề nghiệp, anh là người biết chịu khó tìm tòi, học hỏi không biết mệt mỏi.

Với những trải nghiệm trong cuộc sống và sự nỗ lực của mình, anh đã thể hiện thành công trong rất nhiều bộ phim, vở kịch. Trong cuộc sống, anh Lê Vũ Cầu là người rất chân tình. Ngoài ra, anh còn biết chia sẻ khó khăn với những người có hoàn cảnh khó khăn. Mấy năm qua, từ quán cơm chay từ thiện của mình, anh đã góp phần hỗ trợ cho nhiều người sa cơ có chén cơm ấm lòng... Khi anh nằm xuống, tất cả các anh em nghệ sĩ đều xúm lại lo tang lễ cho anh...

Đạo diễn Khánh Hoàng: Anh làm việc rất nhiệt tình, nghiêm túc

Anh Lê Vũ Cầu là một “tay ngang” đến với nghệ thuật, nhưng với cách làm việc nghiêm túc, cầu tiến, chúng tôi luôn coi anh là một nghệ sĩ đàn anh, đáng để chúng tôi học hỏi. Năm 1992, khi tham gia vở kịch Trung phong chết trước bình minh của Đài Truyền hình TPHCM, anh Lê Vũ Cầu tuy chỉ đóng một vai diễn chẳng nói một câu thoại nào, nhưng rất gây ấn tượng với chúng tôi.

Vừa rồi, khi chuẩn bị dàn dựng vở Người thi hành án tử, nghe bạn bè nói sức khỏe của anh Lê Vũ Cầu khỏe hơn trước, tôi rất mừng, liền tìm xuống tận nhà của anh ở Thủ Đức để mời tham gia vai diễn chính. Khi nghe tôi mời diễn kịch, anh rất nhiệt tình, vui vẻ nhận lời ngay. Đến lúc, Người thi hành án tử lên sàn tập, anh luôn là người làm việc rất nghiêm túc. Sau hơn nửa tháng tập luyện miệt mài, chỉ còn chờ ngày phúc khảo và công diễn thì bệnh tình của anh trở nặng...

Nghệ sĩ Thanh Thúy: Anh ấy là người sống hết lòng với bạn bè

Mặc dù Thúy làm việc chung với anh Lê Vũ Cầu chỉ vài vở kịch, nhưng qua cách cư xử của anh với mọi người xung quanh, Thúy cảm nhận được anh là người sống hết lòng với bạn bè. Với một số người, khi làm được 8 đồng, cố tìm thêm 2 đồng nữa cho chẵn 10 đồng để dành, không muốn chia sẻ với ai. Với anh Lê Vũ Cầu lại khác, khi có trong tay chỉ 1 đồng thôi, nếu có người nào đó cần đến sự hỗ trợ của anh, anh sẵn sàng đưa hết, chẳng hề suy tính bất cứ điều gì.

ĐỖ HẠNH thực hiện

Nghệ sĩ Lê Vũ Cầu tên thật là Lê Bửu Cầu, SN 1956 tại Cà Mau. Năm lên 9 tuổi, anh mồ côi cha mẹ, một mình rời bỏ quê hương ra Quy Nhơn sống cảnh… bụi đời, đi đánh giày, làm thuê… Sau đó, theo Đoàn cải lương Minh Cảnh làm nhân viên hậu đài, soát vé, kéo màn..., dần dần anh được giao đóng vai phụ, rồi vai chính. Một thời gian sau, anh chuyển sang hát cho các đoàn: Hương Mùa Thu, Kim Chưởng, Phước Chung, Bông Hồng, Cửu Long Giang… đi lưu diễn khắp nhiều tỉnh thành trên cả nước. Trong quá trình hoạt động nghệ thuật, nghệ sĩ Lê Vũ Cầu thể hiện thành công khá nhiều vai diễn trên phim, kịch. Đặc biệt là hài kịch “Vợ thằng Đậu”, anh từng diễn chung với NSƯT Hồng Vân cách nay hàng chục năm đã in đậm dấu ấn trong lòng công chúng. Ngoài hát cải lương, đóng phim, diễn kịch, trên sân khấu TPHCM, nghệ sĩ Lê Vũ Cầu còn dàn dựng thành công các vở diễn: Chuyện lạ, Con gái ngài giám đốc… Trong 3 năm trở lại đây, anh còn mở quán cơm chay ở Thủ Đức, phục vụ miễn phí những người nghèo khó…
Bạn có thể tìm hiểu thêm những thông tin về ShowBiz tại:

www.myspace.com/phuongtung
http://vn.myblog.yahoo.com/phongvienphuongtung

Hình ảnh Hình ảnh Hình ảnh
Đăng trả lời

Quay về