[align=center]
Nghệ sĩ Võ An Ninh
Thủy chung nhiếp ảnh một đời[/align]
ND- Nghệ sĩ Võ An Ninh cầm máy từ năm 18 tuổi và cả đời cống hiến cho nghệ thuật nhiếp ảnh. Tình yêu cuộc sống, yêu con nguời, yêu đất trời Tổ quốc mãnh liệt như tăng thêm sinh lực cho trái tim ông vượt qua những cơn bạo bệnh hiểm nghèo. Thế nhưng, tối 4-6, ngôi sao sáng của nhiếp ảnh nước nhà đã thật sự bay xa...
Ngay từ những năm đầu bước vào làng nhiếp ảnh, nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ An Ninh đã nổi tiếng trong nước và ngoài nước qua những bức ảnh được đăng trên nhiều báo chí với các giải thưởng trong nước và quốc tế. Năm 1935, bức Buổi sáng trên đê sông Hồng của ông đoạt Giải ngoại hạng trong cuộc thi do Hội khuyến khích Mỹ thuật và Kỹ nghệ Việt Nam SADAEI tổ chức. Những năm sau đó, Võ An Ninhđược mời vào Ban giám khảo của SADAEI. Năm 1938, ông có triển lãm ảnh cá nhân đầu tiên ở Huế, được tặng Huy chương vàng cùng Giải thưởng lớn. Cũng trong năm này, Võ An Ninh được Giải ngoại hạng tại Pháp. Sau này, ông còn được nhận nhiều giải thưởng, huy chương cao quý về ảnh nghệ thuật ở trong nước và ở các triển lãm quốc tế tại Liên Xô (trước đây), Bồ Ðào Nha và CHDC Ðức (trước đây)...
Một nửa bàn chân bị mất sau một tai nạn, nhưng ông không hề "mỏi gối, chồn chân". Ngồi xe lửa lên Lào Cai, có hôm sáng lên Sa Pa, chiều về Hà Nội, hôm sau lại đi tiếp lên Sa Pa. Công phu là vậy chỉ để tìm, chờ và chụp những khoảnh khắc tuyệt vời của phong cảnh thiên nhiên. Ông cho biết: "Tôi không tự kiêu, nhưng đố ai yêu Sa Pa hơn tôi. Tôi lên đấy từ lúc chưa hề có nhà trọ, còn phải ở nhờ nhà dân. Khó mà nhớ nổi là bao nhiêu lần, mỗi lần đối diện với Sa Pa là mỗi lần khác. Mê lắm!". Thực vậy, Võ An Ninh đã có mặt ở Sa Pa, có ảnh đẹp Sa Pa từ năm 1933, năm 1954, 1955, 1956, rồi 1960 ông lại lên, nhưng, tác phẩm Ðôi nét thủy mặc Sa Pa thì đến năm 1961 mới ra đời. Ngay sau đó, bức ảnh này đã đem về cho tác giả Bằng khen trong sa-lông ảnh nghệ thuật quốc tế BIFOTA (Béc-lin). Có thể nói, cho đến nay, đã có vô vàn ảnh Sa Pa của nhiều nhà nhiếp ảnh được công bố, nhưng ảnh về Sa Pa của Võ An Ninh vẫn riêng một dáng vẻ đặc sắc. Gắn bó với đất trời, với con người Sa Pa đến mức cuối năm 1994 khi tuổi đã khá cao, ông vẫn ngồi xe lửa lên Sa Pa để thăm người cũ, cảnh xưa, tặng sách ảnh của mình để cảm ơn.
Trong sự nghiệp của nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ An Ninh, có lẽ quý giá nhất là các bộ ảnh lịch sử, đặc biệt là phóng sự ảnh về nạn đói thảm khốc năm Ất Dậu 1945, ở miền bắc nước ta. Bộ ảnh tố cáo trước dư luận thế giới cảnh tang tóc, những thân hình gầy guộc đói ăn, trơ xương, những em bé trần truồng nằm co quắp và chết trong đói rét. Ðó là phóng sự ảnh có một không hai, là một chứng cứ, cáo trạng về tội ác của phát-xít Nhật và thực dân Pháp ở Việt Nam. Cũng năm 1945, Võ An Ninh thực hiện bộ ảnh về Thủ đô Hà Nội và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trước và sau ngày Người đọc Tuyên ngôn độc lập 2-9, rồi ảnh về toàn quốc kháng chiến 1946. Với Sài Gòn, ông đã chụp được các bức ảnh quý trong ngày 19-3-1950, ghi lại hình ảnh đông đảo thanh niên cùng nhân dân Sài Gòn xuống đường đấu tranh phản đối đế quốc Mỹ đưa hai tàu chiến Anderson và Sticken thuộc hạm đội VII cặp bến cảng, can dự vào cuộc chiến tranh của thực dân Pháp tại Việt Nam...
Với những cống hiến lớn đối với nền nhiếp ảnh nước nhà, nghệ sĩ Võ An Ninh đã vinh dự được Nhà nước ta trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt 1 năm 1996 và nhiều phần thưởng cao quý khác. Giai cấp công nhân Quảng Ninh tặng danh hiệu "Công dân số 1 của vùng mỏ" và UBND thành phố Hồ Chí Minh tặng danh hiệu "Công dân danh dự của TP Hồ Chí Minh"...
Còn nhớ năm 1995, đến nhà thăm nghệ sĩ Võ An Ninh, lúc này đã 89 tuổi, nhờ ông đọc và cho ý kiến về bản thảo tập sách ảnh nghệ thuật đầu tay của tôi chuẩn bị xuất bản, ông đã khen và dặn: "Cố mà đi nhiều để tiếp tục chụp những cảnh đẹp trong đời sống nhá". Vui chuyện, ông cho xem một kỷ niệm quý giá là chiếc máy ảnh Ðức hiệu Zeiss Ikon dạng "nồi đồng cối đá", nhuốm đậm phong trần, từng theo nghệ sĩ trên các nẻo đường sáng tác. Ông thao tác "đặt máy" làu làu như vẽ những đường chỉ tay của mình. Lúc chia tay, nghệ sĩ nhắc lại câu thơ của Anh hùng Lao động, Nhà văn hóa Vũ Khiêu tặng nhân một lần mừng thọ ông: "Một nửa mắt nhìn đời thu cả tinh hoa trời đất lại". Ông hóm hỉnh giải thích: "Ai chụp ảnh cũng phải nhắm một bên mắt cả, chứ không phải tôi nhìn đời bằng nửa con mắt đâu đấy nhé...".
Hôm giáp Tết Kỷ Sửu 2009 mới đây, các anh chị trong gia đình còn đưa ông đến dự liên hoan tất niên với các nghệ sĩ ở Hội Nhiếp ảnh TP Hồ Chí Minh. Nghệ sĩ Võ An Ninh đã nói chuyện rất vui và chúng tôi cứ đinh ninh sẽ được ở bên ông dài lâu để được truyền lại những lời huấn thị quý giá trong nghề. Thế mà giờ đây, lão nghệ sĩ đã "cưỡi hạc bay cao"... Hình ảnh về "cây đại thụ" của nhiếp ảnh nước nhà và các tác phẩm của ông sẽ vẫn còn mãi, trường tồn cùng lịch sử và trong lòng các thế hệ nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam hôm nay cũng như mai sau.
ÐỒNG ÐỨC THÀNH
Phó Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật
Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam
