Nghệ sĩ Hoài Trúc Phương - Cha chủ quán hủ tíu, con ca vọng cổ
Thưa quý thính giả, nghệ thuật hát cải lương có một sức hút kỳ diệu, nên nhiều gia đình giàu có, sống ngoài nghề sân khấu nhưng con cái của họ lại mê say nghệ thuật hát cải lương.
Các bạn trẻ này đã từ bỏ cuộc sống giàu sang sẳn có của cha mẹ để lao vào cuộc đời rày đây mai đó của một kiếp nghệ sĩ nghèo. Họ phải trãi qua lắm gian nan lận đận, nhiều năm thiếu thốn đói nghèo để tận lực học ca học diễn, niềm đam mê nghệ thuật đã làm cho các bạn đó trở thành những nghệ sĩ tài danh. Ánh đèn sân khấu và hào quang của những nhân vật trên sàn diễn là phần thưởng khích lệ cho họ, bù đấp những mất mát khi họ bỏ nhà theo gánh hát.
Nghệ sĩ Hoài Trúc Phương là mẫu người tiêu biểu cho các bạn trẻ mê cải lương của miền sông nước Hậu Giang.
Hoài Trúc Phương sanh năm 1942, cha của anh là người Quảng Đông đến sinh sống và lập nghiệp ở Rạch Giá, mẹ là người Việt. Cha mẹ anh mở tiệm bán cà phê và hủ tíu ở gần rạp hát Rạch Giá nên khi đoàn hát cải lương đến rạp đó hát thì các nghệ sĩ thường đến tiệm ăn uống.
Theo đoàn hát học nghề
Trong các thập niên 40, 50, tại các tỉnh miền Hậu Giang như Rạch Giá, Bạc Liêu, Cần Thơ, phong trào đờn ca tài tử lên cao. Nhiều gia đình cho con em đi học ca cổ nhạc để đờn ca chơi trong thôn xóm. Hoài Trúc Phương cũng được cha mẹ cho đi học đờn ca cổ nhạc. Anh làm quen với các nghệ sĩ đến tiệm của Ba anh để học hỏi thêm, nhờ vậy anh được nghệ sĩ Hoàng Nuôi, cha của đạo diễn Phượng Hoàng nhận anh làm đệ tử. Ông Hoàng Nuôi xin dẫn Hoài Trúc Phương đi theo đoàn hát. Những năm đầu, Hoài Trúc Phương được cha mẹ gởi tiền cho thường xuyên nên cuộc sống được thoải mái để yên tâm học ca hát.
Đến năm 1958, Hoài Trúc Phương theo đoàn hát Hoa Sen của ông Bầu Bảy Cao, bắt đầu làm quân sĩ, rồi hát các vai phụ và hát thành công nhiều vai kép nhì.
Hoài Trúc Phương ca vọng cổ và các bài bản cổ nhạc một cách chân phương, đúng khuôn khổ như lối đờn ca tài tử, không có giọng ca bay bướm hay luyến láy đặc biệt nên anh không nổi bậc như các nghệ sĩ khác có giọng ca và kỷ thuật ca lạ, thu hút thính giả.
Thiếu thốn chật vật
Lúc này Hoài Trúc Phương không còn nhận được tiền của cha mẹ gởi cho nữa nên với số lương của một kép ba, cuộc sống của anh lâm vào cảnh thiếu thốn, chật vật, nhiều lúc tưởng anh không thể nào tiếp tục theo đoàn hát được. Nhưng nhớ lời cha khi cho anh đi theo thầy Hoàng Nuôi, ông nói: “Nị đi theo hát thì phải hát kép chánh. Nếu nị hát thua người ta thì nị về nhà bán hủ tíu như ngộ, có nhiều tiền hơn là đi hát.”
Hoài Trúc Phương không muốn đứng bán hủ tíu như Ba của anh, nhất là khi trở về thôn xóm cũ, bạn bè biết anh theo gánh hát mà hát chẳng ra trò hề gì, đến nổi phải trở về quê đứng bán hủ tíu, thì họ cười anh không chịu được. Vậy nên cực khổ mấy vẫn phải đeo theo nghề hát, cho đến khi nổi danh thì anh sẽ trở về tiệm hủ tíu thăm cha mẹ và sẽ mời các bạn cũ đến ăn hủ tíu để anh ca vọng cổ và hát vài lớp tuồng coi chơi.
Thành danh kép chánh
Mãi đến 6 năm sau, năm 1964 Hoài Trúc Phương mới được đóng vai kép chánh trong tuồng Máu Chảy Về Tim của đoàn hát Thúy Lan - Mỹ Ngọc. Các ký giả kịch trường viết bài khen Hoài Trúc Phương và gọi anh là một ngôi sao lạ vừa được phát hiện sáng chói trên nền trời kịch nghệ miền Tây.
Đọc được các bài báo đó, ông bầu Trần Viết Long, chủ của công ty Kim Chung lập tức mời Hoài Trúc Phương ký hợp đồng hai năm với số tiền 200.000 đồng và số lương cao gấp 5 lần lương của anh lúc hát ở đoàn Thúy Lan - Mỹ Ngọc.
Hoài Trúc Phương hát qua các đoàn Kim Chung 1, 3, 5 trong nhiều năm, có các vai kép chánh, diễn thành công như vai Bạch Vệ trong tuồng Quán Trọ Hoàng Hôn, vai Võ Đông Sơ, tuồng Võ Đông Sơ - Bạch Thu Hà, vai Yên Lang tuồng Manh Áo Quê Nghèo, vai Nùng Cao, tuồng Người Mang Sông Núi, vai Từ Hải tuồng Thúy Kiều…
Thời gian nầy Hoài Trúc Phương lập gia đình với nữ nghệ sĩ Kim Tuyến, sanh được một con trai.
Mùa hè đỏ lửa năm 1972, tình hình chiến sự sôi động, đoàn Kim Chung 5 hát ở miền Trung, kẹt đường không trở về miền Nam được nên đoàn đi hát loanh quanh các vùng miệt Đà Nẳng và ở các hải đảo. Do cách trở sông núi và có sự hiểu lầm nhau, gia đình Hoài Trúc Phương và Kim Tuyến gảy đổ.
Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, nữ nghệ sĩ Kim Tuyến di tản qua Hoa Kỳ, Hoài Trúc Phương ở lại Saigon. Các đoàn hát Kim Chung bị giải tán, Hoài Trúc Phương chạy về các tỉnh nhỏ, gia nhập đoàn hát Hoa Phượng để hành nghề và kiếm sống qua ngày.
Anh trở về quê Rạch Giá thăm cha mẹ, cha anh đã mất trước khi anh trở thành kép chánh. Tiệm hủ tíu cũng đã sang cho người chủ khác. Anh định rước Mẹ theo anh để phụng dưỡng nhưng bà gặp lại anh, thấy anh thành danh kép chánh như Ba anh từng mong mõi, bà mãn nguyện rồi nhắm mắt, xuôi tay.
Làm lại cuộc đời
Nghệ sĩ Hoài Trúc Phương trắng tay, bắt đầu làm lại cuộc đời. Anh đã hát qua các đoàn Hoa Phượng, Vàm Cỏ, Long An, Trung Hiếu, Saigon 1, Thanh Nga. Anh có những vai hát thành công mới qua các tuồng Cô Gái Bán Gươm, Trận Tuyến Thầm Lặng, Bình Tây Đại Nguyên Soái, Những Đêm Trăn Trở. Mạnh Lệ Quân, Nhiếp Chính Ỷ Lan…
Năm 1976, Hoài Trúc Phương kết hôn với nữ nghệ sĩ Diệu Huê khi anh chị đi hát cho đoàn hát Hoa Phượng. Hoài Trúc Phương đã có một đời vợ là nữ nghệ sĩ Kim Tuyến. Diệu Huê và nghệ sĩ Minh Phụng một thời là vợ chồng. Hai cuộc hôn nhơn đó gảy đổ, Hoài Trúc Phương và Diệu Huê chấp nối nhau, độ lượng trong cuộc sống và gầy dựng được một gia đình thật sự hạnh phúc cho đến hôm nay.
Nữ nghệ sĩ Diệu Huê bắt đầu đi hát năm 1966 ở đoàn hát Thống Nhứt – Út Trà Ôn. Cô được nữ nghệ sĩ Diệu Hiền nhận làm đệ tử, dạy cho nghệ thuật ca, diễn và đặt cho nghệ danh Diệu Huê. Vai diễn thành công đầu tiên của nữ nghệ sĩ Diệu Huê là vai cô gái mù trong vở Bích Hoa Vương Nữ Chúa. Báo chí viết khen tặng nữ nghệ sĩ trẻ đẹp Diệu Huê nên ông bầu Long đoàn Kim Chung lập tức ký hợp đồng cao giá, thu hút Diệu Huê về hát cho sân khấu Kim Chung.
Nghệ sĩ đẹp trai Minh Phụng và nữ nghệ sĩ đẹp gái đóng tuồng chung, thành một cặp đào kép chánh xinh đẹp nhứt của sân khấu Kim Chung, thu hút một số khán giả kỷ lục tại rạp hát Olympic. Báo chí kịch trường nhiệt liệt ngợi khen. Sự thành công rực rỡ trên sàn diễn của cặp đào kép xứng lứa vừa đôi Minh Phụng - Diệu Huê đưa đến tình yêu và hôn nhơn của hai người bạn diễn tâm đầu ý hợp. Diệu Huê và Minh Phụng có con năm một sau cuộc hơn nhơn. Con gái đầu lòng thừa hưởng được nhan sắc và dòng máu nghệ sĩ của cha mẹ là cô Tiểu Phụng; Tiểu Phụng hiện nay là một diễn viên tài sắc trên địa hạt phim ảnh, tân nhạc và sân khấu cải lương.
Vì Diệu Huê sanh con năm một nên việc hát bị gián đoạn nhiều lần. Cô không theo đoàn hát. Một nữ nghệ sĩ trẻ đẹp khác đóng vai hát cặp với Minh Phụng và làm cho vợ chồng cô phải chia tay nhau. Hạnh phúc gia đình gảy đổ, Diệu Huê chia tay với chồng và tự mình nuôi ba đứa con của cô.
Năm 1976. nữ nghệ sĩ Diệu Huê đi hát cho đoàn Hoa Phượng để kiếm tiền nuôi các con. Cô dẫn con theo sống trong đoàn hát. Hoài Trúc Phương, nghệ sĩ cũng bị một lần dang dở như Diệu Huê. Hai người đồng bệnh tương lân; Hai trái tim rách nát được chấp vá lại thành một trái tim lành và khoẻ mạnh; Họ tìm lại được chân hạnh phúc sau bao nhiêu sóng gió trong cuộc đời mà họ đã trãi qua.
Sau năm 1975, Diệu Huê có những vai hát để đời. Khán giả nhắc mãi vai bà Phùng trong tuồng Những Đêm Trăn Trở, vai Năm Ngọc trong vở Ánh Ngọc Đêm Xuân, vai Sĩ Liên trong vở Truyền Thuyết về Tình Yêu.
Hiện nay, trước tình hình sân khấu sa sút, Hoài Trúc Phương và Diệu Huê nghĩ hát. Hoài Trúc Phương làm quản lý trong một công ty xuất nhập khẩu lớn của một khán giả ái mộ nên giúp cho anh có việc làm. Hoài Trúc Phương tiến bộ rất nhanh trong nghiệp vụ mới, bảo đảm cho kinh tế gia đình anh được sung túc hơn khi anh còn đi theo gánh hát.
Để đở nhớ nghề hát, Hoài Trúc Phương và Diệu Huê thỉnh thoảng tham gia hát thu hình video tuồng hoặc hát ở các show từ thiện do các chùa hay Hội Nghệ Sĩ tổ chức.
Thưa quý thính giả, chương trình cổ nhạc kết thúc, Nguyễn Phương xin hẹn tái ngộ vào giờ nầy tuần sau.