Miệt U Minh đã sản sinh ra hai cây bút lừng danh trong đời sống văn hóa Nam Bộ, đó là nhà văn - nhà nghiên cứu Sơn Nam và nhà thơ - soạn giả Kiên Giang. Nếu Sơn Nam là nhà văn “rặc ròng” Nam Bộ, thì Kiên Giang cũng là nhà thơ Nam Bộ “rặc ròng”.
Chất thơ và chất Nam Bộ đã thấm sâu trong tâm hồn Kiên Giang, để khi ông bước vào lĩnh vực sáng tác cải lương, ông đã tạo được cho mình một lối sáng tác rất riêng: lối sáng tác mang đậm chất thơ.
Kiên Giang tên thật là Trương Khương Trinh, sinh năm 1929, tại làng Đông Thái, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang. Ông lấy tên quê hương để làm bút danh cho mình. Kiên Giang là bút danh khi ông làm thơ, còn khi viết báo và soạn tuồng, thì ông lấy tên là Hà Huy Hà.
Tuy vậy, cái tên Kiên Giang đã trở nên quen thuộc và mọi người vẫn quen gọi ông là Kiên Giang - Hà Huy Hà, hay chỉ đơn giản là Kiên Giang. Tuổi thơ của Kiên Giang trải qua những nhọc nhằn ở vùng U Minh Thượng, nơi cha mẹ ông phải tảo tần gian khó để nuôi ông ăn học.
Nhà thơ chân quê Nam Bộ
Cái tên Kiên Giang bắt đầu được biết đến trên thi đàn miền Nam Việt Nam từ năm 1955. Kiên Giang đã để lại cho đời nhiều bài thơ thuộc hàng tuyệt tác. Nét đặc sắc ở thơ Kiên Giang, đó là nó « rặc ròng » Nam Bộ. Lời thơ chân chất, bình dị, nhưng rất diễm tình, rất nên thơ. Thử đọc lại mấy câu sau đây :
Chiều chiều gió đẩy gió đưa,
Nhìn xem lá mạ mà mơ duyên nồng.
(Quán giữa đồng)
Hay là :
Ngày thơ xé mắm ăn bần chín
Bóng mát lung linh chở khẳm xuồng
(Chậu nhỏ đựng đầy hồn cố thổ)
Thật không thể nào Nam Bộ hơn được nữa! Và cũng thật không thể nào tả những điều bình dị mà nên thơ hơn được nữa ! Trong rất nhiều bài thơ của Kiên Giang, mỗi khi nhắc về ông, người ta nghĩ ngay đến hai tuyệt tác: Hoa trắng thôi cài trên áo tím và Tiền và Lá. Đây là hai chuyện tình buồn, rất buồn, nhưng đẹp và rất đẹp. Người mộ điệu làm sao khỏi thấy lòng tê tái khi đọc những vần thơ :
Xe tang đã khuất nẻo đời
Chuông nhà thờ khóc đưa người ngàn thu
Từ đây tóc rũ khăn sô
Em cài hoa trắng lên mồ người xưa
(Hoa Trắng thôi cài trên áo tím)
Hay như :
Kiếp tôi là kiếp làm thơ,
Vốn riêng chỉ có muôn mùa lá rơi.
Tiền không là lá em ơi!
Tiền là giấy bạc của đời in ra.
Người ta giấy bạc đầy nhà,
Cho nên mới được gọi là chồng em.
(Tiền và lá)
Cả hai bài thơ này đều đã được phổ nhạc và được nhiều thế hệ ca sỹ thể hiện. Riêng về cổ nhạc, hai bài thơ cũng đã được chuyển lời vọng cổ và được nhiều người yêu mến.
Soạn giả cải lương : Thơ trong nhạc, nhạc trong thơ
Bên cạnh sự nghiệp thi ca, Kiên Giang còn là một soạn giả lừng danh một thời với Năm Châu, Viễn Châu, Hà Triều - Hoa Phượng, Quy Sắc. Đặc biệt, hai soạn giả Hà Triều - Hoa Phượng được xem là đệ tử của ông.
Cũng giống như các soạn giả khác, những vở cải lương của Kiên Giang thường là những chuyện tình buồn. Thế nhưng, nét đặc sắc của Kiên Giang đó là, lời văn trong các vở tuồng lúc nào cũng đơn giản, mộc mạc, gần gũi với bà con Nam Bộ. Một điều đặc biệt hơn cả, mà mỗi khi người ta nghe là biết ngay tuồng tích của Kiên Giang, đó là : lời văn chân phương mộc mạc nhưng thấm đẫm chất thơ, những chuyện tình buồn gần gũi với đời thường nhưng lại rất thi vị.
Trong nhiều vở tuồng thành công của Kiên Giang, nổi tiếng nhất là hai vở Người vợ không bao giờ cưới và Áo cưới trước cổng chùa. Người vợ không bao giờ cưới hay còn được gọi là Sơn nữ Phà Ca, là câu chuyện tình của một công tử miền xuôi tên là Mộng Long cùng với cô sơn nữ kiều diễm Phà Ca. Chàng trai miền xuôi trong một chuyến đi săn đã gặp gỡ và phải lòng cô sơn nữ.
Thế nhưng, do sự phân chia giai cấp và những mưu tính lợi danh mẹ cha, mà hai người không được trọn chữ đá vàng. Phà Ca nuốt lệ vào lòng để nhìn người yêu đi cưới cô vợ giàu sang. Người mộ điệu vẫn còn thấy lân lân với những câu thơ khi hai người hội ngộ:
Đói lòng ăn nữa trái sim,
Uống lưng bát nước đi tìm người thương.
Hoặc còn nghe văng vẳng đâu đây lời than xé lòng của Phà Ca khi Mộng Long đi lấy vợ:
Ngày mai đám cưới người ta,
Cớ sao sơn nữ Phà Ca lại buồn.
Trái sim là một loại trái rừng, có vị ngọt nhưng hơi chát. Ăn Sim xong là phải uống nước ngay để tránh bị nghẹn. Một điều bình thường và bình dị như thế mà khi đã vào tay Kiên Giang rồi nó trở nên lung linh quá, nên thơ quá, đẹp đẻ quá.
Còn những câu than thở của cô sơn nữ khi người yêu lấy chồng cũng vậy, nó quê mùa lắm, nhưng đã trở nên thi vị và diễm tình qua ngòi bút của Kiên Giang. Mấy mươi năm trước, lời ngâm này đã làm đau xé không biết bao nhiêu con tim người mộ điệu qua giọng ca bi ai của Sầu Nữ Út Bạch Lan. Đây là một vai diễn để đời của Út Bạch Lan, đến mức mà người mê cải lương vẫn thường hay gọi cô là Sơn Nữ Phà Ca. Vai diễn Phà Ca cũng là một vai để đời của Nữ hoàng sân khấu Thanh Nga. Vai diễn này đã giúp cho Thanh Nga đoạt giải Thanh Tâm vào năm 1958, mở đầu cho một sự nghiệp chói lọi sau này.
Vở tuồng đã ra đời trên nửa thế kỷ, thế mà sức sống hiện tại vẫn còn mạnh. Bà con mê cải lương Nam Bộ, dù già dù trẻ, hầu như ai cũng biết đến Sơn Nữ Phà Ca. Mấy mươi năm nay, mỗi lần cầm cây đờn ghi ta phím lõm lên, là ông cụ nhà tôi tay đờn miệng cứ ca một khúc Sương Chiều trong Sơn Nữ Phà Ca : « Mộng Long ơi anh có thấy chăng đóa hoa rừng, nở giữa đồi sim…. ».
Áo cưới trước cổng chùa cũng là một tuyệt tác đậm chất thơ của Kiên Giang. Vở tuồng này ông viết về một ngôi chùa ở quê hương Kiên Giang của ông, đó là chùa Phù Dung. Bên cạnh ngôi chùa hiện vẫn còn ngôi mộ của một người phụ nữ tên là Dì Tự, người được cho là thứ thiếp của tổng trấn Hà Tiên Mạc Thiên Tích. Soạn giả Kiên Giang đã dựa vào một giai thoại về người phụ nữ này để viết vở cải lương Áo cưới trước cổng chùa.
Nội dung vở tuồng Áo cưới trước cổng chùa kể về mối tình thơ mộng của cô gái miền biển Kiên Giang tên là Xuân Tự với anh thanh niên cùng xóm tên gọi Tô Châu. Cha của hai người là tri kỷ của nhau, nên đã chỉ phúc giao hôn cho Xuân Tự và Tô Châu từ nhỏ.
Cha của Xuân Tự mất sớm, cha của Tô Châu là Hải Lâm cố gắng lo liệu đám cưới cho hai người để trọn lời hứa với người đã khuất. Thế nhưng, số trời xui khiến, Xuân Tự được tổng trấn yêu thương. Rồi sau đó bao giông bão cuộc đời ập đến, Xuân Tự trở nên tật nguyền và phải giấu mẹ đi tu tại chùa Phù Dung.
Xuân Tự có một người chị nuôi cùng lớn lên từ nhỏ là Phương Thành. Do Xuân Tự đã quy y, nên mọi người mới bàn nhau gạt mẹ của Xuân Tự mà đem Phương Thành thay thế Xuân Tự để tổ chức đám cưới đúng ngày hai bên đã dự kiến, vừa để an ủi vong linh người quá cố, vừa để có người chăm sóc cho mẹ của Xuân Tự vốn bị mù lòa và đau yếu.
Màn cuối là màn hay nhất của vở tuồng này. Ngày đó, Xuân Tự tay nương gậy trúc từ chùa trở về nhà dự đám cưới chị, và mang cho chị chiếc áo cưới màu xanh nước biển mà cô đã chuẩn bị từ lâu cho đám cưới của mình. Tuy nhiên với linh cảm của một người mẹ, cuối cùng mẹ của Xuân Tự đã phát hiện ra sự thật. Mẹ con ôm nhau mà nứt nở. Đám cưới cuối cùng cũng diễn ra, Xuân Tự lạy từ biệt mẹ già trở lại chùa Phù Dung tiếp tục đời kinh kệ.
Thật đúng là « Áo cưới trước cổng chùa ». Ta thấy chỉ cái tên tuồng cũng đã rất thi vị và đầy hình ảnh. Lời văn trong vở tuồng thì cũng rất nên thơ và mộc mạc theo kiểu Kiên Giang. Người mộ điệu vẫn còn nhớ như in câu ngâm của chị em Xuân Tự khi lên chùa :
Tay bưng quả nếp lên chùa,
Thắp hương lễ phật xin bùa cầu duyên.
Hai câu thơ này phổ biến đến mức mà có người còn lầm tưởng là ca dao. Hay như hai câu ca trong màn kết Xuân Tự nói với mẹ già, cũng thấm đẫm nước mắt và nhưng đầy ý thơ :
Mẹ tin con đã vu quy,
Dẫu rằng Xuân Tự quy y lâu rồi.
Xuân Tự là một trong những vai diễn ấn tượng của Nữ hoàng sân khấu Thanh Nga. Lệ Thủy cũng tỏa sáng với vai Xuân Tự tại đoàn 2-84. Ngoài ra, vở tuồng này còn góp phần làm tỏa sáng nhiều tên tuổi khác : Tô Kim Hồng (vai Phương Thành), Lương Tuấn (vai Tô Châu), Diệp Lang (vai Hải Lâm), đặc biệt là nữ nghệ sĩ Thanh Nguyệt đã xuất thần với vai diễn mẹ của Xuân Tự.
Những bài vọng cổ lai láng tình thơ
Ngoài cải lương, Kiên Giang còn nổi tiếng với nhiều bài vọng cổ đặc sắc, có thể kể ra : Trái gùi Bến Cát, Đội gạo đường xa, Tim đá mạ vàng, Ngồi trâu thổi sáo, Ánh đèn soi ếch, Người đẹp bán tơ, Hương cao quê ngoại, Trái tim cò trắng, Vắt sữa nai nuôi mẹ, Hương sắc gái Cà Mau, Lập quán kén chồng, Ni cô và lão ăn mày, Khói lò gạch, Cô gái miền Tây ...
Ta thấy những bài vọng cổ của Kiên Giang hầu hết lấy cẩm hứng từ cuộc sống nông thôn Nam Bộ. Tuy nhiên, lời văn thì hoàn toàn bình dj mà không quê mùa, người nghe cảm nhận được ở tác giả có một sự trau chốt ngôn từ rất cẩn thận. Tuy nhiên, do cái chất Nam Bộ đã thấm vào máu của Kiên Giang, nên lời vọng cổ của ông càng chọn lọc thì càng lộ rõ chất Nam Bộ. Và do cái chất thi vị đã thấm sâu trong tâm hồn Kiên Giang, nên lời vọng cổ của ông rất nên thơ, rất trữ tình.
Hai bài vọng cổ được nhiều người biết đến nhất của Kiên Giang, đó là bài Trái Gùi Bến Cát và Tiền Và Lá.
Bài Trái Gùi Bến Cát được ông viết từ một câu chuyện có thật của một người phụ nữ ở Lái Thiêu. Người phụ nữ này đi Lộc Ninh (Bình Phước) mua bán để nuôi con nhỏ và người chồng đang ốm đau. Ngày nào cũng vậy, sáng tinh mơ cô đón xe lửa lên đường đi buôn bán, tối mịt cũng trở về bằng xe lửa.
Mỗi bận như vậy, cô thường mua mang về cho đứa con nhỏ thứ trái cây mà đứa con yêu thích: trái gùi ở Bến Cát Bình Bương. Thế nhưng, một hôm nọ, sau khi bán xong, do đói khát, cô vừa mua xong xâu gùi chín cho con, khi đón xe lửa trở về, cô bị trượt chân té xuống đường ray và bị xe lửa cán qua mà trên tay vẫn còn nắm chặt xâu gùi. Bài vọng cổ mở đầu bằng một lối vè rất dân dã Nam Bộ :
Nghe vẻ nghe ve, ai về Bến Cát
Nghe con trẻ hát: Sài Gòn, Lộc Ninh;
Tang tính, tang tình, trái gùi Bến Cát …
Tiếp theo đó là bốn câu thơ cũng rất dân dã:
Mẹ đi chợ chớ ở lâu,
Bận về mẹ nhứ mua xâu trái gùi.
còn chờ xe lửa kéo còi,
Ra ga đón mẹ lấy gùi ăn chơi.
Thật sự không còn có thể Nam Bộ hơn được nữa. Chưa hết, sau khi vợ mất, người chồng sống trong cảnh nhớ nhung triền miên. Đây là nỗi niềm của người chồng được Kiên Giang mô tả ở câu vọng cổ số 5:
Bao chiều tàu lại tàu qua,
Khói tàu vơ vẫn xót xa tiếng còi.
Khi nhìn khói quyện mây trời,
Ngỡ người vợ cũ về nơi chân thêm.
Người nghe cảm nhận được ở đây một nỗi buồn tê tái nhưng là một nỗi buồn rất thi ca. Nghệ sĩ Minh Cảnh được xem là người thể hiện thành công nhất bài vọng cổ này. Trong sáng tác của Kiên Giang, từ thơ tới vọng cổ, ta thấy mẹ là chủ đề xuyên suốt. Hình ảnh người mẹ được ông nâng niu, trân quý. Khách thơ làm sao quên được những vần thơ về mẹ rất đặc sắc của Kiên Giang :
Chày khuya làm mỏi canh sương
Nện từng nhịp mạnh mở đường chữ thơm
(Cối khuya)
Hay như :
Mẹ rắc hoàng hôn theo gạo trắng
Cám bay phương phất quyện hương cau
Nghiêng nghiêng bóng xế sau lưng Mẹ
Gạo trắng như màu tóc trắng phau.
(Sàn gạo)
Kiên Giang đã đưa thành công hình ảnh người mẹ trong những bài thơ của ông vào những bài vọng cổ do ông sáng tác, để có được những lời vọng cổ và những hình ảnh đẹp và đầy chất thơ ca, như bài Trái Gùi Bến Cát bên trên rõ ràng là một tuyệt tác về mẹ của Kiên Giang.
Về tình yêu đôi lứa, Kiên Giang cũng có một tuyệt phẩm để đời, đó là bài Tiền Và Lá. Bài này ông phát triển từ bài thơ cùng tên của chính ông. Nội dung bài ca kể về một chuyện tình buồn của một đôi trai gái cùng lớn lên từ thuở ấu thơ : Hồi bé thơ, anh hay rủ em ra cất nhà chòi bên bờ giếng, anh lấy đất nắn tượng người để bán, em nhặt lá vàng rơi làm tiền để mua tượng. Khi lớn lên, em mới phát hiện ra rằng, tiền không phải là lá, và thế là ngày xưa em dùng lá để mua tượng hình nhân do anh nắn, còn bây giờ em đã bị người ta dùng tiền thật mua đi mất rồi.
Chúng ta thấy, đó một chuyện tình buồn, nhưng đã được Kiên Giang thi vị hóa với những hình ảnh so sánh rất đỗi gần gũi đời thường mà lại rất nên thơ. Bài thơ đã hay, mà khi Kiên Giang viết thành vọng cổ lại càng hay. Bài thơ viết theo thể lục bát, với lời lẽ bình dị và chân quê. Có lúc người ta còn tưởng bài thơ Tiền Và Lá là của nhà thơ chân quê Bắc Bộ Nguyễn Bính. Nhưng rõ ràng, xem lại lời lẽ trong bài thơ, ta thấy rằng, nếu không phải một người sinh ra và lớn lên ở Nam Bộ, không lấy Nam Bộ làm cái chất trong tâm hồn và tính cách, thì không thể có được những lời thơ “rặc ròng” Nam Bộ như vậy được.
Trở lại bài vọng cổ Tiền Và Lá, Kiên Giang đã khéo léo đưa được chất thơ vào trong bài vọng cổ. Và khi nghe, người mộ điệu có lúc thả hồn phiêu lãng để không còn biết là mình đang lạc vào thế giới của thi ca hay những cung bậc bổng trầm của bài vọng cổ. Chẳng hạn như Kiên Giang đã khéo léo đưa trọn vẹn 6 câu lục bát trong bài thơ vào bài vọng cổ, khiến người mê vọng cổ rất thích thú :
Tiền không là lá em ơi!
Tiền là giấy bạc của đời in ra .
Người ta giấy bạc đầy nhà,
Cho nên mới được gọi là chồng em.
Nhớ em những buổi chiều hôm,
Anh gom lá đốt khói lên tận trời.
Kiên Giang hiện tại tuổi đã ngoại bát tuần. Những bài thơ, những vở cải lương hay những bài vọng cổ của ông vẫn có sức hút mạnh mẽ đối với các thế hệ người mộ điệu. Đến hiện tại, người mê thơ vẫn còn ngậm ngùi với Hoa trắng thôi cày trên áo tím, với Tiền Và Lá, người mê vọng cổ-cải lương vẫn còn xao xuyến với Sơn nữ Phà Ca, Chiếc Áo Trước Cổng Chùa, với Trái Gùi Bến Cát, với Tiền và Lá, hay với nhiều bài khác nữa.
Sáng tác đừng xa rời thực tế
Dù nói về thơ ca hay vọng cổ-cải lương, thì lối sáng tác của Kiên Giang vẫn mang đậm chất bình dị, gần gủi và rất nên thơ. Đặc biệt, tinh hoa của Kiên Giang tập trung ở cái chất thuần Nam Bộ của ông. Có người còn so sánh : Nguyễn Bính là nhà thơ chân quê Bắc Bộ còn Kiên Giang là nhà thơ chân quê Nam Bộ. Và Kiên Giang đã đưa được cái chân quê Nam Bộ này vào những tác phẩm của ông để tạo được nét đặc sắc riêng.
Nói về vọng cổ-cải lương, ta thấy rằng nét đặc sắc của Kiên Giang thể hiện ở hai điểm: bình dị và thi vị. Ông đã vận dụng cái chất nông thôn Nam Bộ, vốn là bản chất của ông, để sáng tác, bởi thế lời văn rất bình dị. Ông đã chuyển tải thành công cái thi vị của cuộc đời, vốn đã ăn sâu trong tâm hồn của một nhà thơ như ông, để viết nên những lời ca đầy thi vị. Và chính cái bình dị đã khiến cho bài ca của ông trở nên gần gũi, chính cái chất thi ca đã khiến cho các tác phẩm vọng cổ-cải lương của ông trở nên đẹp và thơ mộng, làm say lòng người mộ điệu.
Nhìn lại lịch sử cải lương 100 năm qua, có thể nói rằng, Kiên Giang là soạn giả điển hình cho lối sáng tác “thơ trong nhạc, nhạc trong thơ”. Lối sáng tác của Kiên Giang là một tấm gương sáng cho thế hệ soạn giả cải lương hiện tại. Bởi dù muốn dù không cũng phải thừa nhận rằng, một trong những nguyên nhân khiến cho cải lương mất đi sức hấp dẫn, đó chính là các bài vọng cổ và những vở cải lương được sáng tác ngày nay hình như thiếu chút thi vị, và thường có lời văn quá bóng bẩy văn chương, mà lại còn đề cập đến những chủ đề quá xa vời đối với người mê cải lương vùng sông nước Nam Bộ.
Nguồn :RFI