[7mau]Nghệ sĩ Thanh Hoài làm nghề bằng cái tâm trong sáng[/7mau]
Là một trong bảy "quái kiệt" của sân khấu hài miền Nam từ trước năm 1975, tính đến năm con gà 2005 này, nghệ sĩ hài Thanh Hoài vừa tròn nửa thế kỷ lăn lộn vui buồn cùng nghệ thuật. Với ông, đem lại cho khán giả tiếng cười sảng khoái đã trở thành đam mê.
- Điều gì khiến ông tâm đắc nhất trong đời làm nghệ thuật của mình?
- Mỗi thế hệ nghệ sĩ hài có những gương mặt tiêu biểu, đường hướng phát triển khác nhau. Thế hệ chúng tôi có bảy nghệ sĩ hài ngang tài ngang sức lại rất tâm đầu ý hợp, đoàn kết thương yêu nhau, hỗ trợ nhau hết mực. Có những vở khi chuẩn bị diễn, ngồi sau cánh gà chúng tôi mới giảng lớp, phân vai cho nhau. Mục tiêu chính là phục vụ khán giả, đem lại tiếng cười để làm cho cuộc sống vui vẻ hơn, tốt đẹp hơn, chứ chúng tôi không ai có ý tranh giành, hơn thua nhau danh tiếng hay tiền bạc.
- Ông nghĩ sao khi giới nghệ sĩ trẻ sân khấu hài hiện nay có biểu hiện tranh giành ảnh hưởng quyền lợi và danh tiếng?
- Đây là điều mà chính bản thân tôi đã nghe, đã thấy và rất buồn. Anh em nghệ sĩ trẻ cần phải noi gương những người đi trước, biết nhường nhịn, thương yêu giúp đỡ nhau, vì nghề nghiệp, vì sân khấu. Cuộc đời gió thoảng mây bay. Vinh quang của người nghệ sĩ chỉ đến khi biết sống và làm việc hết mình vì sân khấu bằng cái tâm trong sáng.
- Nhìn một cách bao quát, theo ông nghệ sĩ nào thực sự là tấm gương lớn cho các thế hệ?
- Có nhiều tấm gương nghệ sĩ tiền bối đáng học hỏi, nhưng nếu chọn một tấm gương sáng duy nhất thì tôi chọn anh Ba Vân. Đó là người anh cả, bậc thầy về nghệ thuật sân khấu hài, luôn nghiên cứu tìm ra những lối diễn xuất, lời thoại hay nhất cho bản thân và truyền thụ kiến thức ấy lại cho thế hệ sau. Thế hệ chúng tôi may mắn được học hỏi rất nhiều từ anh.
- Sự học của người làm nghệ thuật hài khác các bộ môn khác thế nào?
- Khác nhiều lắm chứ! Khả năng tấu hài là của trời cho, không có trường lớp nào có thể đào tạo nên nghệ sĩ hài. Vì vậy, khi có đề nghị tôi mở lớp dạy nghệ thuật hài, tôi từ chối ngay. Tuy nhiên, khi đã có được năng khiếu hài trời cho rồi, muốn thành nghệ sĩ thực thụ thì phải học, học ngay chính những nghệ sĩ đi trước giàu kinh nghiệm, học ở đồng nghiệp, ở đạo diễn, học sách báo và thực tế cuộc sống xung quanh. Từ đó sáng tạo lối diễn cho riêng mình.
- Nghệ thuật đồng nghĩa với sự sáng tạo. Chuyện gây cười một cách quá dễ dãi là điều giới nghệ sĩ hài hiện nay thường gặp phải, làm cho khán giả quay lưng lại với tấu hài. Ông nghĩ sao?
- Đúng vậy. Tôi luôn quý mến Diệp Lang, Quốc Hòa, Hữu Châu, Bảo Quốc..., và một số anh em khác. Mỗi người có cái hay riêng, cách thể hiện riêng. Tuy nhiên, tôi cũng mong anh em tránh lặp lại mình, nhất là tránh cách gây cười một cách dễ dãi để khán giả khỏi nhàm chán.
- Kinh nghiệm "trận mạc" nào trong nghề ông muốn truyền đạt?
- Cái khó nhất của tấu hài là phải tạo được tiếng cười trong sáng cho khán giả, không nên có những lời thoại thô lỗ, tục tĩu để gây cười. Động tác diễn không được quá lố cường điệu thái quá, chân tay què quạch lem nhem. Nụ cười phải sâu sắc, gây ấn tượng, chứ không phải chỉ dừng lại ở cười xòa, cười hề là xong.
Một diễn viên giỏi cần phải biết phối hợp ăn với soạn giả và đạo diễn, trên cơ sở tác phẩm mà có thể sáng tạo thêm lời thoại, động tác để cho vai diễn được hoàn thiện. Gần đây đạo diễn Doãn Hoàng Giang mời tôi đóng vai cụ Hồng trong vở kịch Số đỏ do soạn giả Lê Chí Trung chuyển thể từ tiểu thuyết của nhân văn Vũ Trọng Phụng. Trong đó có lời thoại "nhặt banh ở sân quần" mà nói tắt là "nhặt quần", tôi lại nảy thêm ý bảo "có ai mặc quần đánh rơi đánh rớt giữa đường mà nhặt". Chỉ qua chi tiết ấy, anh Doãn Hoàng Giang tỏ ra ưng ý và chỉ hướng dẫn một cách tổng quát để tôi tự diễn, nên khi tôi bệnh tạm nghỉ thì không ai có thể đóng thế vai cụ Hồng được. Nói thế để biết sự sáng tạo trong quá trình tấu hài sẽ giúp vai diễn thành công hơn.
- Nhiều người thắc mắc đến tuổi này mà nghệ sĩ Thanh Hoài còn “đua tranh" với con cháu trên sân chơi Gala cười. Ông nói sao?
- Đây là điều làm tôi hết sức bất mãn. Khi được Đài Truyền hình Việt Nam mời tham gia biểu diễn ở Gala cười, tôi tưởng đây chỉ là dịp phục vụ cho khán giả cả nước. Khi cô Thảo Vân dẫn chương trình hỏi tôi vào nghề đã bao lâu, tôi bảo đã nửa thế kỷ, cô ngớ người ra. Tôi đâu ngờ sau đó họ thu đĩa để bán mà không tốn tiền trả cho nghệ sĩ, lại còn bày ra trò khán giả bầu chọn, biến tôi thành nghệ sĩ già... đi thi.
- Nhìn lại nửa thế kỷ vui buồn với sân khấu hài, nếu chỉ chọn vài vai diễn ưng ý nhất thì ông chọn vai nào?
- Dễ mà khó đấy. Đầu tiên phải kể tới vai ông Cà Keo - một ông già từ nông thôn lên thành phố trong vở kịch L"avare (Người hà tiện) của kịch tác gia tài ba Mollière người Pháp. Một vai khác cũng ngờ nghệch không kém là Tư Ếch trong vở Tư Ếch đi tắm biển của soạn giả Thạch Tuyền. Rồi vai vua hề trong Năm vua hề về làng mà khi mới dàn dựng, cả đạo diễn lẫn đồng nghiệp đều lắc đầu cho rằng vai vua hề do tôi đóng là yếu nhất trong số năm vua hề. Nhưng khi công diễn trên sân khấu và phát trên truyền hình vào dịp Tết thì vai vua hề của tôi lại được đánh giá là đạt nhất, thành công nhất, nên anh em bảo tôi là "ngựa về ngược". Tôi cũng rất thích thú với các vai Hiệp sĩ mù trong Năm hiệp sĩ bất đắc dĩ, người chồng mù trong vở Mẹ của soạn giả Nguyễn Long, cụ Hồng trong Số đỏ... Tôi cũng vừa thủ vai Chánh tổng khá tâm đắc trong vở kịch Ba Giai - Tú Xuất sẽ trình chiếu trên Đài Truyền hình TP HCM vào dịp Tết Nguyên đán Ất Dậu - 2005.
(Theo Kiến Thức Ngày Nay)