Nghệ sĩ ưu tú Bắc Sơn: Tình yêu đích thực rất phi thường !
[align=center]
NSƯT Bắc Sơn bên vợ và các cháu - ảnh: Duy Bùi.[/align]
Đến thăm NSƯT Bắc Sơn vào một chiều nắng nhẹ, khi ông mới vừa từ bệnh viện về, tôi được hai đứa cháu ngoại của ông - một trai một gái chạy ra, vui vẻ tranh nhau mở cổng đón khách. "Ông bà ngoại ở trên ấy, ít xuống đây" - bé gái chỉ tay lên lầu rồi dẫn tôi lên đó.
Nhạc sĩ đón khách với nụ cười tươi. Tuổi ngoài bảy mươi, trông ông có vẻ yếu nhưng sắc diện vẫn hồng hào, giọng nói trầm ấm, hiền hòa. "Chẳng có gì đâu, tuổi già ấy mà! Có tí vấn đề về phổi, uống thuốc chừng mươi bữa nữa là bớt thôi...". Ông bắt đầu câu chuyện bằng một giọng lạc quan về bệnh tình của mình, chừng như sợ phiền khách hỏi han, ái ngại.
Là nhà giáo, nhà văn, rồi soạn kịch, viết nhạc, đóng phim..., ở lĩnh vực nào ông cũng thành công, được nhiều người biết đến. Khi tôi đề nghị được nghe ông trò chuyện về tình yêu, về hạnh phúc gia đình của chính mình, ông đã bật cười thật to: "Thú vị à... để xem... có lẽ chúng ta cùng nghe một bản nhạc...". Ông tìm trong chồng album dày cộm, lấy ra một CD, để vào máy trên bàn làm việc, rồi bật máy.
Đó là bài hát Cần Thơ từ dạo ly hương, nói về tình yêu đôi lứa thủy chung hòa quyện với tình quê hương của con người vùng sông nước. Ca từ thật trong trẻo và buồn man mác, rặt chất Tây Nam Bộ. Đó đúng là "tông" nhạc Bắc Sơn, là tình yêu Bắc Sơn không thể nhầm lẫn. "...Mình yêu nhau nhưng cách ngăn vì hộ đối môn đăng... người con trai nhà nghèo từng đêm lội qua sông thăm em, nhìn nhau một chút, mỉm cười rồi lội về...". Tôi hỏi, người con trai đó là ông phải không? Ông cười, lắc đầu: "Không đâu nha... nhưng mối tình này là có thật, tôi đã bắt gặp trong một lần đi quay phim miền Hậu Giang, khi ngang bến Ninh Kiều". Rồi ông kể thêm, chàng trai nghèo đó đêm nào như đêm nấy, lội giữa dòng nước lũ lạnh buốt qua thăm người yêu, cũng chẳng để làm gì, chỉ nhìn nhau một lát, mỉm cười với nhau, rồi quay trở về. Chỉ vậy thôi, mà cảm thấy mãn nguyện, an tâm. Rồi một lần, chắc là lần thứ một trăm mười mấy lội qua nhà người yêu, anh đã bị cha cô gái bắt gặp. Sau khi hiểu rõ nỗi lòng của chàng trai nhà nghèo si tình, người cha quá cảm động đã lập tức gả ngay cô con gái độc nhất cho anh. Ngày con về nhà chồng bên kia sông, ông cho thêm của hồi môn là một chiếc xuồng, vì anh con rể làm nghề hạ bạc... Kể một chuyện tình "có hậu", song nhạc sĩ lại rưng rưng. Ông tự nhận mình thuộc tuýp người lãng mạn, nhưng "đối với tôi, tình yêu đích thực rất phi thường, không gì lay chuyển được. Luôn bền bỉ, gắn bó, thủy chung thì nhất định sẽ được sống bên nhau...".
Vậy là câu trả lời đầu tiên cũng đến từ... chuyện của người ta! Thế còn "chuyện của mình" ? NSND Bắc Sơn cười, thẳng thắn nhận xét mình là "một ông già ơn vợ"! "Chúng tôi quen nhau khi tôi mười tám, còn bà ấy mười sáu. Vậy mà thấm thoát bà ấy chăm sóc cho tôi cũng đã hơn nửa thế kỷ nay. Bà ấy là mối tình đầu của tôi. Không có gì hạnh phúc cho bằng được đi suốt đời với mối tình đầu". Giọng ông run run, xúc động. Hỏi về cuộc sống gia đình lúc xưa, từ hồi vợ chồng ông mới cưới nhau, ông chỉ cười, ra chiều ngẫm nghĩ. Rồi ông đáp thật giản dị, nhưng tràn đầy tình nghĩa: "Lâu quá tôi cũng không nhớ hết nhưng tôi có thể nói tóm lại thế này: Máu nghệ sĩ chảy trong người tôi từ khi còn rất trẻ. Hồi ấy thu nhập chẳng được bao lăm nhưng mê lắm ! Tôi đã đi nhiều, đã lãng mạn nhiều, nếu không có người đàn bà này - nhạc sĩ trìu mến gọi vợ như vậy - thì cơm đâu để tôi ăn ? Bà ấy còn phải thay tôi chăm sóc cả đàn con nữa. Thỉnh thoảng lại phải nghe anh chồng nghệ sĩ "bay bướm" này kia... Cho nên tôi rất tâm đắc với câu: Đằng sau thành công của một người đàn ông luôn có bóng dáng một người phụ nữ". Ông dừng một lát, cười: "Tôi chẳng biết mình có thành công chưa, nhưng rõ ràng ở bên tôi luôn có một người phụ nữ...".
* Ông đã sáng tác rất nhiều tình khúc dân ca. Ví dụ trong bài Qua Nhịp cầu tre có đoạn: "Em như tiên nữ trong thần thoại yêu đương. Nhưng mà thiếu một hoàng tử, còn anh là dân dã tầm thường". Không biết đó là tâm sự của nhạc sĩ dành cho bác gái, hay là một phút "cảm hứng bất chợt" nào đó ?
Nghe xong câu hỏi, nhạc sĩ cười e thẹn, mặt thoáng đỏ lên sau vành râu bạc trắng. Liếc ra ngoài hành lang - nơi có bác gái - một cái, ông trả lời nho nhỏ: "Phút cảm hứng bất chợt của tôi đấy... Có nhiều phút như vậy lắm ! Nhưng mà bất chợt rồi qua thôi".
* Nghĩa là chỉ đủ để thành thơ, thành nhạc ? Có lần nào bác gái biết rồi... ghen không ?
- Có chứ ! Ghen mà không có nói gì, làm gì ầm ĩ hết. Bà ấy là người tinh tế. Lần nào cũng chỉ làm một bài thơ thiệt dài, rồi đặt lên bàn làm việc của tôi. Đọc mà... hết hồn ! Bà ấy cũng biết sáng tác đấy, đến nay đã được một tập thơ dày cộm.
Tập thơ ấy được góp lại từ những "bài thơ trên bàn làm việc" ?
- Làm gì mà đến nỗi. Còn về cái khác nữa chứ...
* Ông đã nói mình là người lãng mạn, vậy có khi nào bác gái phàn nàn về cái tính ấy ?
- Không đâu, bà ấy còn nói, không lãng mạn đâu phải là... nghệ sĩ !
...Trong lúc chúng tôi trò chuyện, người vợ đảm đang, tinh tế của NSƯT Bắc Sơn lục đục nấu cơm ở khoảng trống nhỏ ngoài hành lang. Bữa cơm chiều dành cho hai người già sống bên nhau năm mươi năm có lẻ. Vợ chồng NSƯT Bắc Sơn có tám người con, bốn trai bốn gái. Tất cả đều nên người, thành đạt và cực kỳ hiếu thảo.
- NSƯT Bắc Sơn tên thật là Trương Văn Khuê, sinh ngày 25/12/1932 tại Đồng Nai.
- Nghề nghiệp: Dạy học (từ 1952 - 1977) - viết nhạc - soạn kịch - diễn viên điện ảnh.
- Ông đã viết trên 500 ca khúc gồm các thể loại nhạc không lời, ca khúc nhạc nhẹ, tình khúc dân ca... Một số bài hát của ông được ưa thích như Còn thương rau đắng mọc sau hè, Em đi trên cỏ non, Sa mưa giông, Bông bí vàng...
- Được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú ngày 3/2/1997.
[img]http://www.vpa.org.vn/imagestam/3.gif[/img][img]http://img248.imageshack.us/img248/8148/mm6fig6mv.gif[/img]