ÔNG THẦY DẬY HÁT NHỮNG NHẠC PHẨM NGOẠI QUỐC
TẠI SAIGON THẬP NIÊN 60-70 ĐÃ TỪ TRẦN[/7mau]
(trích bài Trần Quốc Bảo đăng trong tuần báo Việt Tide phát hành thứ sáu ngày 18 tháng 7 năm 2014)
Buổi trưa Chủ Nhật ngày 13 tháng 7, tôi nhận tin từ Saigon báo: “Nhạc sĩ Đăng Tiến mới qua đời ở VN lúc 11g ngày 12 tháng 7”. Tuy không biết rõ về Ông, nhưng trong ký ức, tôi nhớ có một lần, nhạc sĩ Đăng Quang (con trai cố nhạc sĩ Đăng Hà) hiện sống tại Pháp cho biết Anh có người chú ruột là nhạc sĩ Đăng Tiến chuyên dậy nhạc ngoại quốc cho nhiều ca sĩ ở Saigon thập niên 60-70 hát, trong số đó có Ngọc Mỹ, Kiều Loan, Yến Hương, Mary Linh, Linh Phương (Tam Ca Mây Hồng), Ngọc Hiếu, Mai Ngọc Khánh, Kim Bằng, Kim Xuân....
Nhạc sĩ Đăng Quang và tôi từng học chung trường Lasan Đức Minh nhưng lại không cùng thời gian. Năm 1976, khi tôi vào học LS Đức Minh thì Quang chuyển sang Nguyễn Bá Tòng, sau đó gia đình anh được bà nội bảo lãnh qua Pháp tháng 11 năm1978, khi ấy Quang mới 17 tuổi. Mang giòng máu văn nghệ của cha và chú, Đăng Quang học nhạc rất nhanh và giỏi. Năm 1976, Quang học guitar ở nhà nhạc sĩ Đan Phú, sau đó còn được kèm bởi nhạc sĩ Trần Tử Miễn (linh hồn của ban Le Crépuscule với guitar Trần Tử Miễn, trống Đỗ Cao Minh, guitar đệm Thái Văn Hiếu, Bass Đinh Xuân Quảng).. Thời gian chơi nhạc ở thành phố Bordeaux (Pháp), Quang xử dụng keyboard trong ban nhạc có 3 anh em của ca sĩ Phương Hồng Ngọc gồm Đức (guitar). Mỹ (drum). Tài (lead guitar). Năm 1985, ban nhạc Anh có dịp trình diễn tại Âu Châu với nhiều nghệ sĩ tên tuổi như Trần Văn Trạch, Khánh Ly, Lệ Thu, Lynda Trang Đài, Thanh Phong, Quốc Anh, Văn Tấn Phát, Ngọc Hải, Anh Sơn.. Quang có tài hòa âm và một số nhạc phẩm hòa tấu này đã được giới thiệu, phổ biến trên mạng Face Book của Anh.
Với tình văn nghệ quý mến nhau, khi nhận tin nhạc sĩ Đăng Tiến qua đời, tôi gửi thư email cho Quang nhờ viết đôi giòng tiểu sử của thân phụ Quang (nhạc sĩ Đăng Hà) và chú ruột Đăng Tiến, mặc dù đang bận đi làm bên Pháp, nhưng Anh vẫn sốt sắng gọi về Việt Nam cho vợ nhạc sĩ Đăng Tiến tức ca sĩ Mỹ Khanh để lấy thêm tư liệu. Trong loạt bài kèm theo, Quang còn chú thích: “Sáng hôm qua thứ tư 16/7 em có gọi về cho thím em, là vợ chú Tiến, để nói là anh TQB có ý viết một bài về chú thì thím em cảm động và nói lời cảm tạ tới anh và các bạn ca nhạc sĩ đã nghĩ tới NS Đăng Tiến. Thím nói với em con viết đi cho Chú con vui nhé”. Dưới đây là vài giòng của Đăng Quang viết về hai nhạc sĩ Đăng Hà, Đăng Tiến. Mời độc giả đọc..
“Được tin nhắn của anh TQB khi hay tin chú tôi mới mất sau hơn một năm trời bạo bệnh và anh có nói tôi viết vài giòng về nhạc sĩ Đăng Tiến, người nhạc sĩ Sài gòn chuyên về phòng trà dancing từ giữa thập niên 50. Ông sinh ở Hải Phòng cũng như ba tôi, nhạc sĩ Đăng Hà. Hai người bạn chơi thân với các ông từ thời ở Hà nội là hai anh em nhạc sĩ Đan Thọ và Đan Phú. Sau cuộc di cư năm 54, nhạc sĩ Đăng Tiến từ Huế vào Sàigòn làm chef-d'orchestre phòng trà dancing, ông chơi piano, clarinet, guitar. Thời gian đó các ban nhạc cần tay kèn lắm nên chú tôi muốn ba tôi lên Sài gòn làm ban nhạc với ông (lúc đó ba tôi đang làm đài phát thanh ở Huế). Ông còn là người thầy dạy hát nhạc ngoại quốc cho các ca sĩ như Mary Linh, Kiều Loan, Ngọc Hiếu, Linh Phương, Ngọc Mỹ và người vợ của ông là ca sĩ Mỹ Khanh... Ngoài ra trong những năm 70 ông còn sáng tác những bài thánh ca như "Giữa Những Vì Sao" nghe rất là du dương và cùng vói nhạc sĩ Hùng Lân phụ trách phần nhạc cho ca đoàn Lộ Đức (Cầu Mới - Trần Khắc Chân).
Ngày chủ nhật 13/07/2014 nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, ngưòi bạn đồng nghiệp của ba và chú tôi đã đến thắp nén nhang cho nhạcsĩ Đăng Tiến thay mặt cho các ca sĩ hải ngoại mà 39 năm về trước (08/1975) cũng trong con hẻm 93 Trần khắc Chân này, người nhạc sĩ của Cô Đơn và Buồn Ơi Chào Mi đi chiếc xe đạp dừng trước nhà và gọi tên ba tôi mới hay rằng ông mới mất không lâu”.
Nhạc sĩ Đăng Tiến sinh ngày 15 tháng 10 năm 1933, ra đời cùng năm với các nhạc sĩ Tuấn Khanh, Trúc Phương, Lê Duyên, Lê Văn Khoa, Phạm Mạnh Cương, Y Vân, Phó Quốc Lân.. Sau một thời gian vướng bịnh nặng, Ông đã từ trần, hưởng thọ 81 tuổi. Theo lời nhà báo Hải Ninh: “Nhạc sĩ Đăng Tiến, gốc dân chơi kèn, Ông theo học với các nhạc sĩ Pháp sang làm việc tại Hà Nội. Năm 1955-1957, Ông dậy nhạc ở trường Nguyễn Tri Phương (Huế). Từ năm 1958, Ông vào Saigon thành lập ban nhạc và ngày ngày lái xe đến nhà các ca sĩ dậy cho họ hát. Suốt bấy nhiêu năm, đã có rất nhiều ca khúc nước ngoài được Ông truyền bá. Ông từng định cư ở nước ngoài, nhưng chỉ sau 9 tháng, vợ chồng Ông xin về lại Sàigòn chỉ vì.. thèm nghe tiếng Việt”.
Theo lời của Hùng, người con rể của nhạc sĩ Đăng Tiến, đã ghi lại những giây phút cuối đời của người nhạc sĩ tài hoa này: “Con người khi xưa tài hoa là thế mà nay đành bất lực chờ đợi và tỉnh táo đón nhận giây phút chia tay với cuộc sống. Ông từng là “chef-orchestre” của 5 ban nhạc lớn ở Saigon vào thập niên 60-70. Nghề chính của ông là thổi kèn clarinette và dạy nhạc. Trong số học trò của ông có nhiều người đã thành danh.. Vào lúc tuổi già ông còn cặm cụi viết Thánh Ca cho ca đoàn Tân Định trình diễn vào mỗi sáng chủ nhật.
Nhìn ông nặng nhọc, ngực ưỡn lên cố nuốt từng ngụm không khí phập phồng tuôn ra từ cái máy thở - cái máy sau đó giúp ông đẩy cái khí carbon chết người ra khỏi cái buồng phổi chỉ còn mỗi một màu trắng. Mỗi khi đi thăm ông về, tôi luôn bị ám ảnh bởi ranh giới của sự sống và cái chết. Tôi nghe ai đó nói câu: “Đời người như chiếc bóng bên đường!” đúng nhưng buồn quá! Và tôi thấy lòng vị tha hơn khi phải nhận chịu một sự bất công nào đó đến với mình.
Không ai có thể sống mãi trên đời này - ông đã hơn 80 mươi năm cuộc đời - tôi ngưỡng mộ ông mọi thứ. Chắc ông cũng đã thanh thản tâm hồn sau lần xức dầu Thánh nên sau đó ông còn trêu: “Lần này chưa phải là lần cuối! Cha sẽ còn đến xức dầu Thánh cho bố nhiều lần nữa”.
Giờ đây thì Ông đã thật sự đi xa về cõi Nước Trời. Mong sao, điều Ông đã sáng tác trong ca khúc "Giữa Những Vì Sao" từ hôm nay đã trở thành sự thật."
Thế rồi một chiều tôi đi tìm Chúa
Trước giờ hẹn hò ôi xiết bao cảm động
Vẫy chào cuộc đời đi trong niềm hy vọng
Người đón tôi về giữa những vì sao".
Tôi tin tưởng Ông đang về nơi bình an ngàn đời đó.
Hai anh em ruột Đăng Hà - Đăng Tiến đều là những nhạc sĩ tài danh của làng nhạc Sàigòn thập niên 50, 60, 70Hai anh em ruột Đăng Hà - Đăng Tiến đều là những nhạc sĩ tài danh của làng nhạc Sàigòn thập niên 50, 60, 70
Hai anh em nhạc sĩ Đăng Hà (phải) và Đăng Tiến (trái).ở Sài gòn.
Hai anh em nhạc sĩ Đăng Hà (phải) và Đăng Tiến (trái).ở Sài gòn.
Ns Đăng Tiến, ns Hùng Lân với ca đoàn Lộ Đức (1973)Ns Đăng Tiến, ns Hùng Lân với ca đoàn Lộ Đức (1973)
Từ trái ns Mai Phương, ns Đăng Tiến, cha Hoa, Mỹ Khanh, ns Hùng Lân năm 73 tại nhà thờ Cầu Mới (Tân Định).Từ trái ns Mai Phương, ns Đăng Tiến, cha Hoa, Mỹ Khanh, ns Hùng Lân năm 73 tại nhà thờ Cầu Mới (Tân Định).




