[7mau]Một soạn giả cải lương quê Đồng Tháp nhận giải thưởng cấp nhà nước[/7mau]
Đó là soạn giả Phi Hùng (Phạm Thanh Lâm) sinh năm 1936 tại xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Phi Hùng là em ruột của soạn giả Phạm Trần và Phạm Thanh Hà. Phạm Trần và Thanh Hà theo kháng chiến chống Pháp 1945-1954.

soạn giả Phi Hùng
Thời học phổ thông Phi Hùng học ở SàiGòn, Cái Bè, Chợ Gạo tỉnh Mỹ Tho. Năm 1960, soạn giả Phạm Trần (rể của soạn giả Trần Hữu Trang), gọi Phi Hùng vào căn cứ Củ Chi (khu Sài Gòn - Gia Định), gặp ông Chín Bảo trưởng tiểu ban Văn nghệ - Báo chí giao nhiệm vụ Phi Hùng hoạt động cách mạng hợp pháp với danh nghĩa ký giả, mang bí danh “Ba Việt”. Phi Hùng cộng tác với báo: Bình Dân, Sân Khấu, Dân Nguyện, Dân Chủ, viết truyện ngắn, thơ, vọng cổ . . . với nhiều bút danh khác nhau. Lúc đó báo và văn nghệ bị giặc kiểm duyệt rất gắt, nên Phi Hùng viết phải “ lách” và luôn tìm cách để tránh bị giặc bắt đi lính “quân dịch”.
Năm 1960, viết vở cải lương đầu tiên thể hiện tư tưởng cách mạng của Phi Hùng là 2 vở “Hừng đông” và “Hẹn mùa chiến thắng” được 2 gánh cải lương Song Kiều và Thống nhất - Út Trà Ôn diễn. Năm 1962, Phi Hùng được kết nạp vào Đảng nhân dân Cách mạng miền Nam Việt Nam (Đảng CSVN). Sau đó, làm Bí thư Chi bộ “ký giả, tác giả” trực thuộc Tiểu ban Văn nghệ - Ban Tuyên huấn Đặc Khu uỷ Sài Gòn - Gia Định. Phi Hùng tổ chức nhóm “Tân tinh Việt” gồm 12 soạn giả: Điền Long, Huy Trường, Yên Hà, Vân Hà, Mộc Tùng, Thiên Lý, Trung Nguyên, An Dạ Thuỷ, Huỳnh Anh, Hoài Đông , Mười Triết và Phi Hùng. Đề ra phương châm sáng tác là bảo vệ Văn hóa dân tộc, chống Văn hóa ngoại lai, ca ngợi lòng yêu nước, chống ngoại xâm.
Phi Hùng viết các vở: Cửa chùa đẩm máu (gánh Ngọc Hoa), Mùa xuân hai mươi (gánh Tiếng dân ca), viết chung với Nhị Kiều vở Giấc mộng đêm xuân (gánh Thanh Minh-Thanh Nga), Trăng mười sáu (gánh Sông Hương), Đường trăng (gánh Diên Hồng); Vợ Việt Nam (Phi Hùng kiêm đạo diễn, gánh Minh Cảnh). Vở nầy bị nguỵ cấm diễn, vì phản chiêu hồi của giặc, nên Minh Cảnh đề nghị đổi tên là “ Vòng tay người cũ”, rất đắc khán giả. Khi giải phóng, đổi trở lại tên cũ “ Vợ Việt Nam”, diễn một thời gian dài. Vở Đường về quê mẹ (gánh Phước Chung), Mẹ ghẻ con chồng (gánh Sao Mai), Bức họa người yêu, Phi Hùng đổi tên là Y Lang...
Sau đợt I xuân Mậu Thân 1968, giặc bắt được một số cán bộ Văn nghệ ở Sài Gòn như: Trương Bỉnh Tòng, Mai Quân, Việt Thường, Hoàng Hà, Hoàng Xuân Thành… Phi Hùng bị mất liên lạc với cách mạng nên phải về quê Cao Lãnh dạy học và lấy tên thật là thầy Lâm.
Năm 1969, thầy giáo Lâm bắt được liên lạc với Binh vận thị xã Cao Lãnh, nên được phân công đến dạy văn ở trường bán công quận Kiến Văn (xã Bình Hàng Trung) tỉnh Kiến Phong (nay thuộc huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp). Phi Hùng vừa dạy học, vừa cung cấp tình hình địch cho cách mạng cho đến ngày giải phóng miền Nam.
Tháng 5- 1975, Phi Hùng trở lên Sài Gòn liên lạc lại tổ chức cũ và được phân công công tác ở Sở VHTT thành phố. Phi Hùng tiếp tục viết nhiều vở cải lương về lịch sử và truyền thống cách mạng như các vở: Về đất Kinh Châu (viết chung với Nam Sơn), Vòng cưới anh trao, Hoa mơ trắng (chung với Ngô Mạn, Thanh Cao), Xuân về trên đỉnh Mã phi (chung với Minh Hải), Lá chắn biên thuỳ (chung Nguyễn Đức Hinh), Bông sen trắng, Bảo lửa (chung Trần Thiện Liêm), Phượng thắm sân trường (chung Trần Quốc Quân), Người giữ mộ ca ngợi dân Hoà An-Cao Lãnh mưu trí và kiên trì đấu tranh với giặc, giữ được mộ cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc, vở Đôi mắt tình yêu (chung Lưu Quang Vũ), Hai phương trời thương nhớ (với Trung Đông); Thất trảm sớ, Yêu anh từ độ ấy, Mặt trời đêm thế kỷ (chung Lê Duy Hạnh) Huyết thư và án tử, Cho đời soi gương, Tiếng hát người yêu... Những vở cải lương nầy đều được các gánh, đoàn: Huỳnh Long, Phước Chung, Minh Tơ, Tuổi Trẻ, Sài Gòn I, Văn Công TP.HCM, Đồng Nai, Tiền Giang, Bến Tre, Tháp Mười (Đồng Tháp), Sông Hậu, An Giang… dàn dựng diễn nhiều lần, trong đó, có vở đạt Huy chương Vàng, Huy chương Bạc trong các lần Hội diễn sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc và được đài phát thanh, truyền hình thu-phát trên sóng...
Ngoài mấy chục kịch bản cải lương đã nêu (chưa đủ hết) Phi Hùng còn viết nhiều bài vọng cổ, đã được đài phát thanh, truyền hình thu - phát trên sóng, được nhiều khán, thính giả yêu thích. Trong đó, có các bài: Như thời con gái, NS Thành Điển, Ngọc Giàu ca, Tìm lại người xưa, Thành Điển, Bạch Tuyết ca; Bạn đời, Út Trà Ôn, Thành Điển ca, Bà mẹ Sài Gòn, Út Bạch Lan, Thanh Huyền ca...
Năm 2007, soạn giả Phi Hùng được Chủ tịch nước tặng “Giải thưởng Nhà nước” về Văn học-Nghệ thuật cho 3 kịch bản: Thất trảm sớ, Người giữ mộ, Cho đời soi gương (đạt Huy chương Vàng, Huy chương Bạc). Tỉnh Đồng Tháp tặng giải thưởng Văn học Nghệ thuật Nguyễn Quang Diêu (lần thứ I). Phi Hùng cũng được Đài truyền hình TP (HTV) tôn vinh trong chương trình “Những cánh chim không mỏi”.
Nghệ sĩ ND Huỳnh Nga nhận xét: “Bút lực cuả Phi Hùng đến cái tuổi ngoài 60, vẫn đầy sức sống”, Những “đứa con” sinh sau lại khoẻ hơn những đưa con trước và đều đặn ra đời hằng năm, có khi một năm vài 3 đứa”.
Hội Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh đặt soạn giả Phi Hùng viết kịch bản cải lương kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Hội Văn nghệ giải phóng và 40 năm giải phóng miền Nam. Kịch bản nầy sẽ hoàn thành vào năm 2013, dự kiến tên là “Lửa Sài Gòn”.
Hy vọng và chúc soạn giả Phi Hùng sẽ thành công lớn ở kịch bản nầy ./.
Huỳnh Thanh Tâm - VNDT