Nghệ sĩ Nhân Dân Bảy Nam sinh trưởng trong một gia đình trí thức, ông cụ thân sinh của bà chính là người kỹ sư xây cây cầu Bến Lức ở Long An đời Pháp thuộc. Ông tên Công nên tên con ông đặt theo câu chữ tiếp theo: "Công - Thành, Danh, Toại, Phỉ, Chí, Nam, Nhi, Bia, Truyền, Tạc, Để.
Trong gia đình, có cô Năm Phỉ theo nghề hát, dù đã trở thành ngôi sao, nhưng vẫn bị cha từ bỏ. Năm bà 14 tuổi, muốn theo nghề hát như chị, bà đã phải dùng đến cái chết để làm áp lực mới được gia đình nhượng bộ. Nói điều đó để hiểu vì sao cả cuộc đời bà chưa bao giờ bà coi nghề hát là cái nghề để kiếm cơm, mà là một thứ tôn giáo mà bà tôn thờ từ lúc còn để chỏm đến lúc lâm chung.

Cô Bảy Nam trong vai Lý Nhu (năm 1935).
Từ năm mới 19 tuổi (1932), bà đã một mình chống chỏi với đoàn hát Nam Hưng, vừa làm bầu, vừa là đào chính, vừa kiêm luôn viết tuồng… Bà là nữ soạn giả đầu tiên của sân khấu cải lương vì bà thấy những vở tuồng Tàu lúc đó không thấu tình đạt lý. Ví như vỡ "Hồ Nguyệt Cô hóa cáo", bà cảm nhận tình yêu của Hồ Nguyệt Cô bằng trái tim của người phụ nữ ngây thơ bị lường gạt, chứ không phải bằng cái nhìn khe khắt của lễ giáo phong kiến. Bà tâm sự: "Hồ Nguyệt Cô đã hy sinh tất cả cho người tình, rồi bị lường gạt, cướp mất viên ngọc sinh mệnh, thật đáng thương biết chừng nào, sao còn lên án cô…".
Đi hát là chấp nhận nỗi gian truân của nghề, rày đây mai đó trên chiếc ghe bầu xuôi ngược, lúc mưa dầm ế ẩm phải ngủ trên các thớt thịt ở chợ, có lúc lên các đồn điền cao su làm màn sáo trên chiếc xe tải mà diễn, công nhân ngồi dưới đất coi, cứ nửa tháng đến kỳ lương mới lấy được tiền… Cả cuộc đời bà gắn liền với ánh đèn sân khấu, bao nhiêu kỷ niệm vui buồn, bao nhiêu nước mắt, nụ cười - danh vọng cũng từng mà đắng cay nào thiếu.
Ngày xưa, đào hát người đời gọi là "xướng ca vô loài", bà đã khước từ cuộc sống của một cô tiểu thư để đi làm một cô đào hát, chấp nhận hết những thương tổn ấy để được theo đạo hát, bàn thờ Tổ đối với bà thiêng liêng biết bao. Thời đó, đâu có trường lớp nào dạy người nghệ sĩ phải sống thế nào cho xứng đáng, không có bài học đạo đức nghề nghiệp nào viết bằng chữ nghĩa, nhưng chính cái Đạo của nghề đã thấm sâu từng ngày vào trong máu của người nghệ sĩ bằng tấm lòng đam mê sân khấu.
Tấm gương lao động nghệ thuật của lớp nghệ sĩ thuộc thế hệ bà dường như bây giờ lớp nghệ sĩ trẻ chỉ còn nhắc đến như là nhắc chuyện cổ tích. Nhớ lần đóng vai người đàn bà điên trong phim "Bông lục bình" (1986), dù lúc ấy đã 70 tuổi, nhưng bà luôn là người diễn viên đầu tiên có mặt ở phim trường, khi mọi người còn ngái ngủ, bà đã mở túi soạn sẵn phục trang, từ cái nón lá rách đến cành bông lau làm đạo cụ cho vai diễn của mình….
Trong tất cả mọi vai diễn, dù xuất hiện nhiều hay chỉ thoáng qua, bà đều coi trọng như nhau, bởi vì bà Bảy Nam sống với nghề là Đạo, bà đến với sân khấu hay điện ảnh là đến bằng cả trái tim sùng tín. Vai nào dù chỉ nói một câu cũng là nhân vật, và nhân vật ấy phải có hồn của người diễn, nhất quyết không thể qua loa…
NSUT Kim Cương từng nói: "Khi còn diễn, cứ 18 giờ là má tới rạp, 18g30 má mở tủ đồ hóa trang, dù tới 20 giờ mới mở màn. Riết rồi anh em coi má như cái đồng hồ của mình". Bà nghe vậy chỉ mủm mỉm cười: "Má già rồi, bác sĩ không cho diễn nữa, nhưng nếu thấy con Kim có vở mới, má ngồi coi diễn mà tủi thân lắm, giống như tụi nó đi ăn tiệc mà mình ngồi chầu rìa ở ngoài vậy. Má nói thiệt, má mà có chết cũng chỉ mong sao kiếp khác được đầu thai trở lại làm nghệ sĩ".
Sau buổi diễn "Lá sầu riêng" cách đây 6 năm, bà bị nhồi máu cơ tim ngay trên sân khấu, và từ đó bà phải chia tay với sàn diễn. Nhưng trái tim bà chưa bao giờ rời bỏ sân khấu, trong cơn mê sảng trước khi lâm chung, người ta bỗng như thấy lại cô Bảy Nam trẻ trung của cái thời diễn vai Đào Tam Xuân, Hồ Nguyệt Cô, Lý Nhu trên sân khấu Phước Cương của 70 năm xưa… Và mọi người đã phải bật khóc khi nghe bà nói miên man: "Sao tới giờ rồi mà chưa đem tủ làm tuồng của má tới... Bữa nay hát xong nhớ cho anh em ăn mì nghen con…". Phải, bà đã từng nói, còn một hơi thở tôi còn sống với nghề, và bây giờ, trước giờ ra đi vĩnh viễn, bà đã được sống tròn với đạo của mình trong giấc mơ vĩnh hằng tuyệt đẹp của người nghệ sĩ…
NGÔ NGỌC NGŨ LONG