
Soạn giả Hoa Phượng. (Ảnh: TL của Kiên Giang Hà Huy Hà).
[/align]
Soạn giả Hoa Phượng tên thật Lương Kế Nghiệp, sinh ra và lớn lên tại núi Sập (huyện Thoại Sơn, An Giang). Ông rời quê hương đi kháng chiến năm 14 tuổi (1947) được tổ chức phân công công tác tại Ty Công an tỉnh Long Châu Hậu.
Sau Hiệp định Genève Hoa Phượng cùng hai người bạn chí cốt Sơn Nam (nhà văn) và Kiên Giang (nhà thơ) rời quê nhà, lên đất Sài Gòn, mỗi người một nhiệm vụ quyết lập công danh theo con đường cầm bút. Phần mình Hoa Phượng kết thân với một người bạn nghèo nữa là Hà Triều (tên thật Đặng Nguơn Chúc, cũng dân kháng chiến) cùng viết kịch bản sân khấu, do đó các vở cải lương hợp soạn đều ghi tên hai người: Hà Triều - Hoa Phượng.
Sự nghiệp của ông hết sức đồ sộ: trên 60 kịch bản cải lương (viết chung và riêng đều được các đoàn hát lớn công diễn khắp miền Nam, miền Trung; cá biệt có vở lọt ra tận miền Bắc (trước l975), và không thể không trở thành đề tài bàn tán trong giới văn nghệ sĩ ngoài ấy.
Trong số những tác phẩm của mình, Hoa Phượng có sáng tác 6 câu vọng cổ đặc biệt nhan đề Trái tim núi Sập . "Đặc biệt", vì ông không công bố mà trao cho người bạn chí cốt là nhà thơ Kiên Giang từ năm 1976, và tâm tình:
- Bài này em viết đã lâu, kể như lời di chúc hay trăn trối. Anh đừng phổ biến, sau khi em chết, anh nên cho ca trước quan tài.
Nhà thơ Kiên Giang cất giữ. Khi Hoa Phượng qua đời 22-10-1984, ông đã làm tròn bổn phận của người được ký thác: đêm 24 rạng 25 tháng 10 năm 1984 (đêm văn nghệ vĩnh biệt Hoa Phượng) ông chờ Thanh Sang để nhờ ca bài này. Vì Thanh Sang là một nghệ sĩ đã được Hoa Phượng (và Hà Triều) nâng lên lừ vai Tạ Tốn, trong vở Cô gái Đồ Long. Nhưng hôm ấy Thanh Sang đi hát ở tỉnh, nên vào giờ chót ông nhờ Thanh Tuấn. Và Thanh Tuấn đã cất cao giọng ca của mình để nói lời sau cùng thay Hoa Phượng !
Hoa Phượng đã gửi gắm những gì trong bài ca Trái tim núi Sập? Chúng ta đều biết, núi Sập là hòn núi nhỏ, đẹp nhưng không phải là cái đẹp thường tình, mà núi Sập đẹp vì tự thân nó là cả hồn thiêng sông núi của dân tộc. Núi Sập sừng sững bên kinh Lạc Dục (cũng gọi Tam Khê), một con kinh mà năm 1818 Trấn thủ Vĩnh Thanh Thoại Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thoại đã vâng mệnh trực tiếp đốc suất dân công nạo vét "chỉ trong một tháng thì xong". Từ ấy mới có đường thủy ăn thông từ Rạch Giá (biển) đến sông Hậu ở Long Xuyên. Việc đi lại giữa hai nơi ấy vô cùng tiện lợi, vì không phải đi vòng đường biển bọc mũi Cà Mau như trước - quá mất thời gian lại nguy hiểm. Không chỉ thế, nó còn đem nước ngọt vào rửa chua phèn, và phục vụ việc tưới tiêu cho đồng lớn (thuộc vùng Tứ giác Long Xuyên). Chính vì sự ích lợi thiết thực đó vua đã lấy tên ông Nguyễn Văn Thoại sửa đặt tên kinh (Lạc Dục) là Thoại Hà, và sửa đặt lên núi (Sập) là Thoại Sơn, đồng thời cho dựng bia Thoại Sơn trên núi để kỷ niệm sự tích. Lại truyền lệnh cấm dân đốn cây, phải bảo vệ núi mới được ban tên luôn tươi đẹp. Người dân ở đây đã ý thức cao việc gìn giữ cảnh quan môi trường ấy. Thoại Sơn đến nay vẫn còn nguyên vẹn.
Thế nhưng kể từ thời thuộc Pháp người ta đã liên tục khai thác đá núi Sập. Họ tích cực tàn phá để núi Sập ngày càng lở lói...
Hoa Phượng là người đã được sinh ra và lớn lên trên vùng đất núi này, nên ông đã từng ngày, từng giờ nghe rất rõ tiếng rên siết vô cùng đớn đau của núi. Ông nghĩ tưởng, nếu cứ như thế thì chắc chắn một ngày nào đó núi Sập - di tích văn hóa lịch sử - sẽ không còn! Vì vậy ông không thể không sáng tác bài ca vọng cổ Trái tim núi Sập để cảnh giác hành vi xâm phạm vô ý thức ấy (hiện nay không còn khai thác đá ở núi Sập).
NGUYỄN HỮU HIỆP