NSƯT Hoàng Giang tâm huyết với những vai kép độc
Tỏa sáng trong nghệ thuật cải lương nhiều thập kỷ qua, nhưng NSƯT Hoàng Giang lại được bạn bè gọi với cái tên không được dễ thương cho lắm: kép ''độc''. Mặc dù tuổi tác và bệnh tật đã làm thân hình ông như chùng xuống và động thái kém đi phần linh hoạt, ông vẫn một mực theo đuổi cái nghề lắm gian truân.
- Vì sao có ngoại hình đẹp mà ông lại chọn những vai ''độc''?
- Tuy có ưu thế về hình thể nhưng do chất giọng của tôi không phù hợp với các vai chính diện, nhất là không thể sánh với giọng ca của các đồng nghiệp lúc đó như Việt Hùng, Thành Được và đặc biệt là với ông vua vọng cổ Út Trà Ôn. Vì vậy, tôi chuyển sang đảm nhận các vai độc lẳng, hài. Tôi nghĩ vai diễn không quan trọng, cái chính là làm thế nào lột tả được hết tâm trạng nhân vật để người xem nhớ mãi đến vai diễn của mình, đó chính là niềm hạnh phúc của bất kỳ người nghệ sĩ nào.
- Làm thế nào khắc hoạ những vai ''độc'' rõ nét nhất, thưa ông?
- Cái ác, độc không cái nào giống cái nào. Cần nhất là phải sáng tạo để tránh sự trùng lặp trong mỗi nhân vật. Khi diễn, cần chú trọng khi nào thì liếc mắt, khoác tay, gằn giọng, lúc nào cần cười gượng, cười the thé, cười gằn, cả điệu bộ trong bước đi nữa. Quan trọng là phải diễn sao cho vai độc của mình vừa bị người ta căm ghét nhưng lại vừa... thích thú. Vì thế, khi nhận một vai độc, tôi thường tìm hiểu lý do nào khiến nhân vật lại ác như vậy. Theo tôi, kẻ hiểm độc nào cũng có cái dại, cũng có sơ hở và tôi luôn khai thác sự ngờ nghệch của nhân vật nhằm tạo ra chất hài. Diễn như thế người xem đỡ chán hơn là các kép độc luôn mang bộ mặt hầm hừ hoặc gào thét...
- Ông có thể kể một vài vai ''độc'' tâm đắc nhất?
- Hơn nửa thế kỷ theo nghiệp cầm ca, tôi đóng rất nhiều vai, vai nào cũng cố gắng thể hiện tốt nhất bằng tất cả khả năng của mình, do đó vai nào tôi cũng tâm đắc cả. Dẫu vậy cũng có một số vai đã đưa tên tuổi tôi đến gần với công chúng hơn như: Nguyễn Cang (Chiếc áo ân tình), vua Lê Long Đỉnh (Tiếng trống sang canh)...
